Ngày 19/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra. Theo đó, trên toàn tỉnh có 2 người chết trong quá trình khắc phục hậu quả bão vào ngày 16/9 và 80 người bị thương nhẹ. Bão làm hơn 93.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Mưa bão gây ngập và hư hỏng 332 ha lúa, hơn 3.000 ha rau màu, cây ăn quả, hơn 1.300 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 21 km đê điều bị sạt lở. Có hơn 800 phòng học bị ảnh hưởng, 54 cơ sở y tế, 2.400 cột điện bị gãy đổ… Thiệt hại ước tính hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong đợt bão số 10 vừa qua, ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là những hộ nuôi tôm ở đây. Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100ha mặn lợ (800ha tôm và 300ha nhuyễn thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn.
Đặc biệt, chỉ trong 3 giờ đồng hồ, cơn bão số 10 đổ bộ, sóng biển dữ dội đã phá vỡ 800m bờ đê chắn sóng khiến hàng chục hồ tôm của người dân ở xã Kỳ Nam và xã Kỳ Phương của bị san phẳng. Hàng chục tỷ đồng cùng nước mắt người nuôi tôm bị cuốn theo dòng nước.
Bão số 10 khiến nhiều hồ nuôi tôm bị san phẳng hoàn toàn. Hệ thống quạt nước, mô tơ, giàn sục khí, giếng cấp nước biển bị sóng biển đánh trôi ngổn ngang. Hàng trăm nghìn con tôm giống sắp đến thời kỳ thu hoạch của người dân bị nước biển cuốn trôi.
Trước đó, sự cố Fomorsa đã khiến việc sản xuất kinh doanh của người dân ở đây bị ngưng trệ. Đến khi vừa đi vào sản xuất lại thì gặp phải cơn bão số 10 khiến nhiều hộ nuôi tôm rơi vào cảnh trắng tay.
Sau bão, hàng trăm ngàn con tôm giống đến ngày thu hoạch bị cuốn trôi, máy móc bị sóng đánh ngổn ngang
Anh Nguyễn Xuân Thuấn, quản lý tại khu vực nuôi tôm của Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh ở xã Kỳ Nam cho biết: Bão quá mạnh và khủng khiếp, chúng tôi không kịp trở tay. Khu vực nuôi tôm của chúng tôi có 29 hồ, tất cả đều tôm đã thả được 2,5 tháng rồi, sắp đến kỳ thu hoạch thì bão vào, mất trắng”.
Còn theo thống kê của Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh, cơn bão số 10 đã quét sạch 29 hồ nuôi tôm tại xã Kỳ Nam và 38 hồ tại xã Kỳ Phương khiến công ty thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn bộ nhà kho và khu nhà ăn, nhà ở của công nhân viên bị tốc mái hoàn toàn và một số căn đổ sập toàn bộ. Cụ thể:
Tại xã Kỳ Nam, tổng diện tích thiệt hại khoảng 17 ha, trong đó có 13ha tôm nuôi hơn 2 tháng và 5 ha tôm mới thả từ 10-15 ngày tuổi. Tổng lượng tôm thiệt hại khoảng 90 tấn, trị giá hơn 15 tỷ đồng. Chưa kể, nhiều hồ tôm bị san phẳng giờ phải thuê máy móc đào đắp lại từ đầu, rồi còn phải trang bị lại hệ thống máy móc…
Còn tại xã Kỳ Phương có 38 ao nuôi tôm trên diện tích 16,5ha, trong đó 10 hồ tôm thương phẩm nuôi đã được 3 tháng và 5 hồ tôm mới thả được 10 đến 15 ngày cũng bị nước biển tràn khiến tôm ra hết.
Không chỉ thiệt hại về vật chất, bão số 10 đã phá hỏng hàng trăm mét bờ đê chắn sóng. Nếu không được sửa sang kịp thời, chỉ cần một cơn bão nhỏ hay một đợt triều cường cũng đe dọa đến sự an toàn của hàng ngàn người dân xã Kỳ Nam và Kỳ Phương.
Hơn thế nữa, thiếu bờ đên chắn sóng, thủy triều dâng nước mặn tràn vào cũng ảnh hưởng đến công tác sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Ruộng vườn không thể canh tác khiến cuộc sống người dân khó khăn chồng chất khó khăn.
Bão lũ đi qua, người dân vẫn phải tự mình khắc phục khó khăn. Nhưng hơn bao giờ hết, họ vẫn cần những sự trợ giúp từ chính quyền, các cơ quan chức năng để sớm đi vào sản xuất ổn định.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nước lấy dân làm gốc; Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.