Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:52
RSS

Hà Nội vẫn kiểm soát giấy đi đường, vừa nới lỏng vừa chờ chỉ đạo từ Thành phố

Thứ bảy, 18/09/2021, 10:26 (GMT+7)

Đại diện lãnh đạo một số địa phương trên địa bàn Hà Nội cho biết, các chốt trực vẫn kiểm soát giấy đi đường của người dân, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong khi chờ chỉ đạo mới của UBND TP.

Sự kiện:
Hà Nội

Sau khi UBND TP.Hà Nội ban hành Văn bản số 3048 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành chiều 15/9

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho phép từ 12 giờ ngày 16/9, với các địa bàn quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9 của Chủ tịch UBND TP, hiệu lực từ 6 giờ sáng 6/9), được phép hoạt động trở lại: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Hà Nội vẫn kiểm soát giấy đi đường, vừa nới lỏng vừa chờ chỉ đạo từ Thành phố

Đường phố Hà Nội trong khu vực nội thành đông đúc trở lại sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động từ ngày 16/9 trên một số địa bàn. Ảnh: Phạm Hưng.

Vừa chống dịch vừa chờ chỉ đạo

Trao đổi với Dân Việt, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân - đơn vị được đánh giá là khu vực nguy cơ dịch bệnh rất cao trên địa bàn TP.Hà Nội cho biết, hiện quận Thanh Xuân cùng với các quận, huyện được đánh giá vẫn còn nguy cơ dịch bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm theo Công điện 20 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

"Chính quyền và người dân quận Thanh Xuân vẫn thực hiện nghiêm, thống nhất theo những chỉ đạo của thành phố, chứ không có đề ra biện pháp riêng nào cả", vị này nói.

Liên quan đến việc người ở 19 quận, huyện thuộc trạng thái "bình thường mới" có được vào địa bàn quận không, vị này cho biết, khi TP phân 3 vùng phòng chống dịch bệnh, đã có những chốt chặn, những người đủ điều kiện vượt qua các chốt chặn này, đồng nghĩa với việc được vào địa bàn quận Thanh Xuân.

"Hiện, trên địa bàn quận cũng vẫn duy trì các chốt trực, nếu người nào đủ điều kiện theo quy định vẫn được đi lại. Đặc biệt hiện nay quận phải bảo vệ vững chắc các "vùng xanh" trên địa bàn, nên nếu trường hợp nào thuộc diện nguy cơ, ra ngoài không vì mục đích thiết yếu thì sẽ yêu cầu quay lại, không cho vào vùng an toàn của quận. Tất cả đều theo quy định của TP. Ví dụ như những người này có giấy đi đường không; nếu họ có giấy đi đường đảm bảo theo quy định thì vẫn đi lại được", vị này cho hay.

Hà Nội vẫn kiểm soát giấy đi đường, vừa nới lỏng vừa chờ chỉ đạo từ Thành phố

Nhân viên một nhà hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn Cầu Giấy dọn dẹp để bán hàng mang về khi TP cho phép. Ảnh: Ngọc Hải.

Đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng cho biết, quận đang tổng hợp tình hình dịch bệnh cụ thể tại các phường, các khu vực trên địa bàn để có báo cáo đề xuất lên TP.

"Chúng tôi phải phân loại, có những phường có nguy cơ, nhưng có những phường ở trong trạng "thái bình thường mới", sau đó đề xuất lên, TP sẽ có giải pháp cụ thể, phù hợp", vị này nói và cho biết, trước mắt, toàn quận vẫn thực hiện nghiêm theo Công điện 20 đến 6h sáng ngày 21/9 trong khi chờ các chỉ đạo mới của TP.

Đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm - địa bàn được đánh giá thuộc khu vực "nguy cơ" theo văn bản của TP.Hà Nội cho biết, việc đi lại, di chuyển trên địa bàn quận vẫn tuân thủ theo quyết định của TP.Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

"Lãnh đạo quận cũng đã có ý kiến đề xuất việc phân loại nguy cơ theo khu vực nhỏ hơn để có các biện pháp phù hợp", vị này nói, đồng thời cũng cho biết, quận đang chờ hướng dẫn cụ thể của TP.

Vừa nới lỏng vừa kiểm soát

Còn tại quận Cầu Giấy - địa bàn được nới lỏng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ, đại diện lãnh đạo quận cho biết, theo văn bản 3048 của TP, quận đã cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ được hoạt động trở lại phục vụ người dân.

Đồng thời, hướng dẫn những loại hình được phép hoạt động phải có kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm quy tắc 5K, những người tham gia kinh doanh dịch vụ phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19.

Hà Nội vẫn kiểm soát giấy đi đường, vừa nới lỏng vừa chờ chỉ đạo từ Thành phố

Chỉ trong buổi sáng ngày 17/9, cửa hàng sửa chữa xe máy nằm trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) này đã tiếp nhận khoảng trên 30 xe máy đến sửa chữa do “đắp chiếu” trong suốt thời gian gần 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Hưng.

Theo vị này, trên toàn địa bàn quận Cầu Giấy vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện 20 của Chủ tịch UBND TP, các chốt trực của TP vẫn đang được kiểm soát, dù có nới lỏng một chút, vì khi mở lại một số loại hình kinh doanh thì người dân được phép sử dụng, ví dụ như đi sửa chữa xe, đồ điện, đi mua đồ dùng học tập.

"Cơ bản chúng tôi vẫn phải đảm bảo giãn cách, thực hiện đeo khẩu trang, quy tắc 5K, cẩn trọng và không chủ quan, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Quận vẫn đang chờ TP có hướng dẫn thêm, trên nguyên tắc nới lỏng dần dần, vừa nới lỏng vừa kiểm soát từng bước vững chắc", đại diện quận Cầu Giấy thông tin.

Vị này cho rằng, hiện nay người dân chủ yếu mới được tiêm một mũi vaccine, chưa đủ thời gian tạo kháng thể, nên ưu tiên số một vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết, căn cứ theo quy định phân vùng trong tình hình thực tế của địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu. 

Cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được phép mang về (có vách ngăn giữa người bán và người mua; người bán phải đeo kính chắn giọt bắn), yêu cầu khai báo y tế và sử dụng mã QR-Code.

Công trình nhà ở riêng lẻ, số lượng lao động không quá 10 người; Công trình xây dựng theo tuyến liên thông giữa các vùng trong, ngoài địa bàn huyện phải có biện pháp tổ chức thực hiện trên nguyên tắc "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường hai điểm đến"...

Theo Văn bản số 3048 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành chiều 15/9, hiện trên địa bàn thành phố chỉ còn 1 quận nguy cơ rất cao (Thanh Xuân), 2 quận nguy cơ cao (Hoàng Mai, Đống Đa), 9 quận, huyện nguy cơ (Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng) và 18 quận, huyện, thị xã còn lại ở mức bình thường mới.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6/9 đến nay, có 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà, Tây Hồ.

 

Công an Hà Nội vẫn tiếp tục cấp giấy đi đường

Chiều 16/9, tại cuộc họp của Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội với các địa phương trên TP, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất việc Công an Hà Nội vẫn tiếp tục cấp giấy đi đường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để quản lý theo dữ liệu dân cư, hoàn thiện phần mềm quản lý công dân để kiểm soát hiệu quả hơn nữa.

"Với 67 chốt kiểm soát ra vào TP, mục tiêu đặt ra là vẫn phải quản lý chặt vì sắp tới nếu chúng ta nới lỏng, nghĩa là không thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng nữa mà không quản lý chặt các cửa ngõ thì dịch bệnh rất dễ xâm nhập.

Vì vậy, TP.Hà Nội đề nghị Công an TP nhanh chóng có phương án cụ thể về việc triển khai sắp tới. Báo cáo lãnh đạo TP xem xét", ông Quyền nêu rõ.

 

Sông Bùi - Nguyễn Hoàng
Theo Dân Việt