Vừa qua, tại hội thảo kế hoạch tổng thể an toàn giao thông cho Thủ đô, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT đã trình bày một số giải pháp nhằm hướng đến việc dừng hoạt động của xe máy trong nội đô.
Theo ông Giám đốc Sở GTVT, lộ trình của một số quốc gia trong khu vực để dừng hoạt động của xe máy trong nội đô sẽ kéo dài từ 5 đến 10 năm. Tại Hà Nội Sở GTVT đã đưa ra lộ trình là 13 năm, trong thời gian đó sẽ xây dựng các kế hoạch để đáp ứng các điều kiện để khi dừng các hoạt động của xe máy thì nhân dân có phương tiện khác thay thế.
Để có kế hoạch đấy, Sở GTVT đã tiến hành nghiên cứu trình UBND TP Hà Nội bao gồm nhiều giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu tiên Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn về niên hạn sử dụng đối với xe máy để thu hồi dần đối với xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện ô nhiễm môi trường.
Giai đoạn này sẽ tiến hành từ năm 2017 đến 2018.
Ông Viện cho biết: "Như đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định về thu hồi xe máy cũ nát bắt đầu thực hiện từ 1/1/2018. Bây giờ chúng ta đang thiếu điều kiện cụ thể để thu hồi. Cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể mà chỉ mới xử lý bằng cảm quan mà chưa có quy định tiêu chuẩn. Trước mắt chúng tôi sẽ thống kê rà soát tất cả số lượng xe trên từng địa bàn dân cư để đề xuất chính sách".
Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội cũng trao đổi thêm với phóng viên Infonet: "Chúng tôi đã đề xuất ban hành quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô con, xe máy, xe gắn máy trên phạm vi của Thủ đô Hà Nội cũng như toàn quốc. Hiện nay chúng ta mới có quy định đối với xe tải và xe khách. Xe máy vẫn chưa có quy định về niên hạn sử dụng đến bao giờ, việc này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng CSGT trong quá trình xử lý".
Theo ông Tòng, trong quá trình xử lý, xe thì cũ nát, giấy tờ cũng không có, giá trị phương tiện thì quá thấp. Do vậy, khi kiểm tra, xử lý, thu giữ thì rất nhiều trường hợp người ta bỏ lại phương tiện và sau đó người ta sẽ tìm một phương tiện khác hành nghề vì đấy là cuộc sống mưu sinh của những người lao động.
Một trong những vấn đề được mọi người quan tâm là hiện nay cơ sở hạ tầng của Thủ đô Hà Nội không đáp ứng nổi lượng phương tiện cá nhân, về vấn đề này, ông Viện cho biết Sở GTVT sẽ tiếp tục phát triển giao thông công cộng để giảm tải phương tiện cá nhân.
"Tương ứng với phát triển giao thông công cộng sẽ giảm dần nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân. Trên một số tuyến đường và khu vực sẽ dừng hoạt động phương tiện cá nhân, điều chỉnh, điều tiết. Các tuyến đường mà chúng ta đã có phương tiện giao thông công cộng tốt thì có thể dừng một số loại phương tiện" - ông Viện khẳng định.
Theo ông Viện, hai mô hình điển hình nhất hiện nay tại Thủ đô Hà Nội đang thực hiện việc dừng phương tiện cá nhân là dọc hành lang đường xe buýt BRT và các tuyến phố đi bộ của Hà Nội. Sau vài tháng đi vào hoạt động tuyến đường dọc hành lang BRT đã dừng hoạt động taxi và rõ ràng thấy phương tiện giao thông công cộng đã đáp ứng được một phần nhu cầu.
"Như vậy, nếu những tuyến đường đã tổ chức tốt giao thông công cộng thì có thể dừng hoạt động xe máy" - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định.
Thêm một giải pháp nữa cũng đang được thực hiện để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân. Ônh Viện cho biết: "Tại các tuyến phố đi bộ của Hà Nội hiện nay đã dừng hoạt động xe máy. Chúng tôi sẽ mở rộng dần ra để tạo thói quen cho nhân dân không phụ thuộc nhiều vào xe máy".