Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:01
RSS

Hà Nội: Nam bệnh nhân đột quỵ lúc 4h sáng khi tập thể dục ven hồ

Thứ năm, 03/01/2019, 19:33 (GMT+7)

Thời tiết chuyển lạnh sâu khiến số bệnh nhân nhập viện Bạch Mai do đột quỵ tăng lên đáng kể. Có không ít bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” làm giảm đi cơ hội chữa trị và phục hồi.

Trời lạnh giá khiến bệnh nhân đột quỵ gia tăng

Hà Nội ngày lạnh  Nam bệnh nhân đột quỵ lúc 4h sáng khi tập thể dục
Thời tiết lạnh khiến số bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ gia tăng tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày giá rét, số bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Trong đợt nghỉ Tết dương lịch thời tiết rét đậm, trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu được mỗi ngày, có tới 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ.

Con số này tăng 10-20% so với ngày thường. Những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ. 

Mới đây, Khoa Cấp cứu cũng vừa tiếp nhận trường hợp người đàn ông đi tập thể dục buổi sáng ven Hồ Tây lúc 4h sáng và bị đột quỵ. Rất may người đi đường đã phát hiện sớm và gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Nhờ được phát hiện kịp thời, bệnh nhân này đã được cấp cứu qua cơn nguy kịch.

Theo PGS. TS Mai Duy Tôn- Khoa Cấp cứu - BV Bạch Mai, trong những ngày thời tiết quá lạnh giá, mọi người không nên không nên dậy quá sớm, đặc biệt là không nên tập thể dục vào thời điểm này. Nếu muốn tập nên tập trong nhà, nơi kín gió tránh thời điểm sáng sớm và chiều muộn.

Lời khuyên từ chuyên gia bệnh viện Bạch Mai để phòng tránh đột quỵ

Hà Nội ngày lạnh: Nam bệnh nhân đột quỵ lúc 4h sáng khi tập thể dục
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai trong buổi gặp gỡ báo chí.

Khi có dấu hiệu đột quỵ, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi 115. Khi gọi 115 người bệnh sẽ được cấp cứu ban đầu và 115 sẽ giúp bạn đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị tốt nhất, chuyên sâu về đột quỵ.

Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: Để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để nếu bệnh nhân bị nôn đờm dãi, thức ăn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh); mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh.

Bệnh nhân bị đột quỵ thường ảnh hưởng nhiều tới hô hấp. Do đó việc tiếp theo, người nhà phải dùng chiếc khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh ra ngoài.

Nếu người bệnh bị co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân. Việc quấn vải quanh đũa để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi.

PGS. Tôn lưu ý, các biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột quỵ nên người thân không nên làm theo cách này.

Bên cạnh đó PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng Khoa Cấp cứu – A9 cũng khuyến cáo thêm : 'Thói quen của nhiều người Việt Nam là khi thấy người thân trong gia đình nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ thường cho uống ngay viên An Cung. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh. Bởi lẽ, khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt. Việc uống nước còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến việc nuốt viên thuốc, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở cho người bệnh. Vì thế khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.'

Đột quỵ là hiện tượng bệnh nhân đột ngột, xảy ra các dấu hiệu rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, mất thị lực, liệt nửa cơ thể 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn và các biểu hiện chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội

Ba dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ 

-  Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội.

- Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo.

- Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

 

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN