Thứ hai, 25/11/2024 | 03:13
RSS

Hà Nội khi giãn cách xã hội: Một số công việc lao động được đi làm nếu đáp ứng đủ điều kiện

Thứ ba, 27/07/2021, 06:51 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường công tác phòng chống dịch tại Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội, các đơn vị phải làm việc tại nhà, chỉ trừ một số công việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Những công việc lao động được ra ngoài đi làm khi giãn cách phòng, chống Covid-19

Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội quy định Thực hiện giãn cách trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19 có quy định đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ một số nhóm ngành.

Cụ thể, các nhóm ngành được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 là:

Nhóm ngành cấp dịch vụ thiết yếu như: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.

Nhân viên tại các cửa hàng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế được phép di chuyển từ nhà tới nơi làm việc. Ảnh: TN

Nhóm cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh.

Nhóm ngành ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Nhóm ngành bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm Covid-19 không chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch.

Nhóm ngành bưu chính, viễn thông.

Nhóm dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Nhóm cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội

Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.

Như vậy, chỉ có lao động làm trong các nhóm ngành, nghề trên mới được ra ngoài đi làm. Tuy nhiên, số lượng lao động được chủ đơn vị sắp xếp, bố trí lịch làm việc phù hợp.

Điều kiện để lao động không bị xử phạt 

Mặc dù Chỉ thị 17 đồng ý để các nhóm ngành trên được hoạt động, nhưng lao động làm ở các ngành này muốn đi làm phải đáp ứng các điều kiện kèm theo. Theo đó các lao động làm trong các nhóm ngành trên cũng cần phải có giấy xác nhận của đơn vị trực thuộc khi ra ngoài đi làm công việc, nhiệm vụ.

Trong trường hợp lao động làm việc thuộc các nhóm ngành trên, nhưng không có giấy tờ chứng minh có lý do chính đáng lao động vẫn có thể bị xử phạt. Lãnh đạo các đơn vị phải có trách nhiệm quản lý, bố trí nhân sự làm việc phù hợp quy định và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.

Lao động làm trong nhóm ngành dịch vụ viễn thông, thực hiện đấu mối đảm bảo liên lạc cho quá trình phòng, chống dịch Covid tại các bệnh viện giã chiến cũng được phép ra ngoài đi làm. Ảnh: ĐN

Chỉ thị 17 cũng lưu ý người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như:

Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; Cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng; Các trường hợp khác; Đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu là được phép hoạt động.

 

Trong trường hợp vi phạm, người dân ra ngoài không cần thiết có thể xử phạt với mức phạt tối đa là 3 triệu đồng/1 người/1 lần. Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở vi phạm có thể bị xử phạt với mức phạt 20 triệu đồng. Trong một số trường hợp nếu để lây lan dịch bệnh, cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm về hình sự.

Thùy Anh
Theo Dân Việt