Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:45
RSS

Hà Nội có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch

Thứ ba, 11/05/2021, 07:23 (GMT+7)

Trước tình hình cấp bách của dịch COVID-19, Hà Nội và ngành Y tế Thủ đô đã, đang và sẽ cắt đứt nguồn lây nhanh nhất có thể, với phương châm tận dụng tối đa 48 giờ vàng, trong vòng 2 ngày phải kiểm soát tốt.

Sự kiện:
Hà Nội

Hà Nội có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch

Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô phun khử khuẩn toàn bộ xã Kim Sơn, Gia Lâm trong đêm 9/5. Ảnh: B.Loan

Kiểm soát chặt các F

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC), tính đến 10h ngày 10/5, Hà Nội có thêm 8 trường hợp dương tính. Trong đó, có 6 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 2 trường hợp là người nhà vào chăm bệnh nhân tại khoa Gan Mật Tụy (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều). Cụ thể, 2 trường hợp liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là ông Đ.V.H (SN 1961, tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc) và L.V.T (nam, SN1949, ở Kim Thành, Hải Dương).

Trong 5 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, có 4 trường hợp ở Gia Lâm tiếp xúc với BN 3255 (D.V.T, nam) vào ngày 5 - 6/5 và 1 người bán hàng cho BN 3255 ngày 7/5. Các trường hợp này đều trú tại xã Quy Bắc, huyện Gia Lâm. Ngoài ra, 1 trường hợp còn lại là N.P.M.P (1 tuổi, trú tại Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội); bé P là F1 của trường hợp N.H.T (ở Bắc Ninh) đã có kết quả dương tính trước đó.

Như vậy, kể từ ngày 27/4 đến 10h sáng 10/5, Hà Nội đã ghi nhận 48 trường hợp mắc covid-19 Trong đó, có 18 ca ngoài cộng đồng. Cụ thể, 8 trường hợp ở huyện Gia Lâm, 1 trường hợp ở quận Hai Bà Trưng, 3 trường hợp ở Hà Đông, 1 ở Thanh Oai liên quan đến chùm ca bệnh ở Bắc Ninh; huyện Thường Tín có 12 và quận Ba Đình có 1 trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh Đà Nẵng; chùm ca bệnh ở Hà Nam có 3 trường hợp ở Đông Anh; 2 trường hợp ở Sóc Sơn liên quan đến chùm ca bệnh Vĩnh Phúc; chuyến bay VN160 có 1 ca ở Bắc

Từ Liêm và 1 ở Sóc Sơn. Riêng chùm ca bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 có 11 trường hợp (trong đó Đông Anh có 3, Phúc Thọ 7, Sóc Sơn 1). Chùm ca bệnh ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 2 trường hợp (Thanh Xuân 1 và Hà Đông 1).

Liên quan đến các ca F0 nói trên, Hà Nội tạm thời xác định có 1.558 F1 và 9.385 F2. Các F này được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện ổ dịch Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 cơ bản đã được kiểm soát. Công tác tuy vết, lập danh sách toàn bộ những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người dân và các F cũng được thực hiện một cách khẩn trương nhất.

Phải cắt đứt nguồn lây nhanh nhất có thể

Hà Nội có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch

Xã Kim Sơn, Gia Lâm - nơi có 4 trường hợp dương tính có liên quan đến ổ dịch Bắc Ninh được kiểm soát y tế chặt chẽ. Ảnh: B.Loan

Sở Y tế nhận định, hiện nay, các địa phương "sát sườn" với Hà Nội như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… đều có ca mắc. Đặc biệt là ổ dịch tại Bắc Ninh khi con số dương tính chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngoài ra, chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K có diễn biến phức tạp, đã lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh, cộng thêm tình hình người nước ngoài nhập cảnh trái phép gia tăng trong thời gian vừa qua, đây có thể là nguồn bệnh xâm nhập.

Đặc biệt, việc lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn biến rất khó lường. Khả năng virus lây nhiễm nhanh, mạnh, có khả năng làm bệnh nặng lên khi Việt Nam xuất hiện biến chủng Ấn Độ và Anh (B-1617; B-1617.2). Do đó, Sở Y tế đề nghị các địa phương việc cần phải làm luôn và ngay chính là ngăn chặn, cắt đứt nguồn lây nhanh nhất có thể.

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Hà Nội đã và đang rất quyết liệt trong công tác phòng, chống và dập dịch. Cụ thể, ngoài việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội… về việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, hạn chế tiếp xúc khi ra ngoài, nhất là ở những khu vực công cộng, vườn hoa, công viên.

Người dân cũng phải nắm bắt thông về dịch, qua đó, đồng hành cùng Bộ Y tế, chính quyền Hà Nội trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, xử phạt nghiêm khắc, công khai các trường hợp vi phạm. Đặc biệt là xử phạt mức cao nhất đối với các nhà hàng, quán ăn làm lây lan dịch bệnh.

Về công tác truy vết, cách ly, xét nghiệm, Hà Nội đề nghị các địa phương khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường F1, F2 có liên quan đến ca dương tính để kịp thời ngăn chặn việc lây lan trong cộng đồng. Ngay lập tức khoanh vùng cách ly với quy mô phù hợp. Tổ chức, bố trí đủ lực lượng ngoài phạm vi cách ly, có phương án giám sát chặt chẽ.

Trước tình hình dịch cấp bách, Hà Nội đã mở thêm các khu cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh và khu cách ly F1 tại trường quân sự Sơn Tây. Ngoài ra, tất cả các bệnh viện trên địa bàn phải kích hoạt hệ thống điều trị, sẵn sàng phương án 4 tại chỗ, Giám đốc các bệnh viện chịu trách nhiệm về việc thực hiện này để sẵn sàng phương án tiếp nhận các bệnh nhân mắc COVID-19.

Riêng ổ dịch Bắc Ninh "sát sườn" Hà Nội, tại buổi kiểm tra về công tác phòng chống dịch huyện Gia Lâm vào tối 9/5, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội đã chỉ đạo huyện Gia tăng cường nâng cao năng lực, trong đó có các khu cách ly tập trung và đặc biệt là các địa bàn giáp ranh với Bắc Ninh.

Huyện Gia Lâm phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan lên phương án triển khai khu cách ly tập trung ở học viện, với hai tòa nhà và 600 giường. Đồng thời, cùng các xã trực thuộc rà soát đầy đủ di biến động các trường hợp liên quan đến ổ dịch ở Thuận Thành, nhất là các trường hợp sang để học tập, giao thương buôn bán.

Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Phải rà soát đường ngang, ngõ tắt, tăng cường chốt chặn, đảm bảo người từ vùng có dịch không sang địa bàn. Huyện Gia Lâm cần nâng mức cảnh báo lên cao hơn, có phương án rà soát, quản lý tỉnh lộ, quốc lộ ra sao và quản lý y tế các xã của Thuận Thành giáp với Gia Lâm một cách chặt chẽ nhất".

Tận dụng tối đa 48 giờ vàng để "dập dịch"

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phân tích ba nhóm sẽ tiếp tục có số ca bệnh tăng là: Nhóm F1 với tất cả các nguồn lây F0 mà thành phố đã quản lý, xử lý.

Nhóm thứ 2 mà Hà Nội đặc biệt quan tâm là nhóm từ các ca bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Nhóm thứ 3 tiềm ẩn nguy cơ là các F0 từ các địa bàn địa phương lân cận. Vừa qua các chùm nhiễm với Hà Nam, Vĩnh Phúc và một số chuỗi bệnh khác Hà Nội đã kiểm soát và bước đầu yên tâm.

Ông Ngọc Anh khẳng định, hầu hết lây nhiễm này bắt đầu biến thể virus Ấn Độ và chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn còn khoảng ba, bốn ngày, nên Hà Nội đã và đang vào cuộc rất quyết liệt với phương châm rõ ràng là tận dụng tối đa 48 giờ vàng, trong vòng 2 ngày phải kiểm soát tốt.

 

Bảo Loan
Theo GiadinhNet