Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng khu vực phố Trúc Bạch, Hà Nội ngày 7/3, nơi bệnh nhân Covid-19 cư ngụ. Ảnh: VNE
Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với hơn 30 giám đốc trung tâm y tế và các bệnh viện trên địa bàn để triển khai biện pháp phòng chống Covid-19.
Các bệnh viện mũi nhọn là Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh chống dịch. Các bệnh viện phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang bị, vật tư, tổ chức diễn tập sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống ca bệnh xảy ra, báo VNE dẫn lời.
Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh thủ đô đã hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh. Phương án này trình UBND thành phố.
Thành phố thành lập 5 đội phản ứng nhanh luôn thường trực sẵn sàng 24/24 giờ, tổ chức xuống thực địa để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả trường hợp nghi nhiễm nCoV để làm xét nghiệm. Trong trường hợp cần thiết, có thể huy động tất cả các đội chống dịch cơ động của các quận, huyện tham gia hỗ trợ nhằm đảm bảo tối đa lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Khoa Xét nghiệm của các bệnh viện sẽ thường trực suốt ngày đêm, đảm bảo đủ nhân lực phục vụ công tác lấy mẫu tất cả trường hợp nghi nhiễm được xét nghiệm khi có yêu cầu.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết việc xuất hiện ca dương tính tại Hà Nội nằm trong kịch bản phòng chống dịch của thành phố. Trong những ngày tới thành phố cần sẵn sàng tâm thế để tiếp tục điều tra, cách ly y tế, kịp thời phát hiện người dương tính nCoV.
Ông khuyến cáo mỗi cán bộ y tế và người dân không chủ quan nhưng cũng hết sức bình tĩnh, tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh một cách chính thống cũng như chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cũng tại buổi họp của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội, sáng 8/3 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Bệnh nhân thứ 21 đã tiếp xúc với nhiều người già nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Trên chuyến bay về Việt Nam ngày 2/2, "bệnh nhân 21" ngồi ở hàng ghế cách "bệnh nhân số 17" khoảng 5-6 m, tuy nhiên vẫn bị lây nhiễm.
Người đàn ông 61 tuổi sau khi về nước đã tham dự sự kiện tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày 4/3.
Sở Y tế Hà Nội đã thống kê có 26 người tiếp xúc gần với "bệnh nhân 21" (F1), 23 người tiếp xúc với người tiếp xúc (F2).
"Vì người này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm cao", Chủ tịch Chung nói.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị của Hà Nội nhanh chóng xác minh, nắm danh sách những người tiếp xúc gần với "bệnh nhân số 21" để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Các khu vực bệnh nhân có thể đi qua và sinh hoạt ở quận Ba Đình sẽ được phun khử khuẩn.
Giới chức y tế cũng ghi nhận đến sáng 8/3 có 104 người F1, khoảng 203 người F2 tiếp xúc với 3 bệnh nhân dương tính và một trường hợp nghi nhiễm.