Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:18
RSS

Hà Nam dẫn đầu môn Văn, Nam Định dẫn đầu môn Toán kì thi THPT Quốc gia 2019

Chủ nhật, 14/07/2019, 15:03 (GMT+7)

Điểm trung bình môn Toán năm nay của cả nước là 5,64 còn điểm trung bình môn Văn là 5,49. Nam Định, Hà Nam là 2 tỉnh dẫn đầu điểm thi 2 môn này.

Sáng 14/7, Bộ giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia của 63 tỉnh thành để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Cả nước có 3.147 thí sinh bị điểm liệt từ 1 trở xuống, giảm hơn 1.440 bài so với năm 2018.

Năm 2019, cả nước có 878.142 thí sinh dự thi môn Toán THPT quốc gia. Trong số đó, có 345 thí sinh bị điểm liệt (<=1) và số lượng điểm dưới 5 lên tới 296.273 thí sinh. Điểm trung bình môn Toán năm nay của cả nước là 5,64.

10 địa phương có điểm trung bình môn Toán cao nhất đều dao động ở mức 6-6,5 điểm. Nam Định tiếp tục là tỉnh dẫn đầu môn Toán với 6,52 điểm, cao hơn so với năm ngoái. 

TP.HCM tiếp tục xếp thứ hai với số điểm trung bình là 6,35. Hà Nội xếp thứ 10 với 6,03 điểm, bằng thứ bậc của năm ngoái. 

Về môn Văn, cả nước có 867.937 thí sinh dự thi môn Ngữ văn THPT quốc gia với điểm trung bình là 5,49. Có 27,84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, trong đó có 1.265 em bị điểm liệt (<=1). Cả nước không có điểm 10 môn Ngữ văn.

Hà Nam là địa phương có điểm trung bình môn Ngữ văn đạt mức cao nhất cả nước là 6,31 điểm. Năm ngoái, tỉnh này xếp thứ 2 cả nước sau Hậu Giang. Đây cũng là năm Cần Thơ có "sức bật" khi xếp thứ 2 cả nước về điểm trung bình môn Ngữ văn với 6,27 điểm.

Nam Định dẫn đầu môn Toán, Hà Nam dẫn đầu môn Văn kì thi THPT Quốc gia 2019Nam Định dẫn đầu môn Toán, Hà Nam dẫn đầu môn Văn kì thi THPT Quốc gia 2019
Ảnh: Vietnamnet

Môn Ngữ văn cũng là môn có số lượng thí sinh bị liệt cao nhất với 1.265 bài (chiếm 40%); tiếp đó là Ngoại ngữ 749 (trong đó riêng Tiếng Anh 630 bài), Lịch sử 395 bài, Toán 345 bài và thấp nhất là Giáo dục công dân 11 bài.

Trong một diễn biến khác, theo quy chế, thí sinh bị điểm liệt các bài thi để xét tốt nghiệp (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp Khoa học xã hội Khoa học tự nhiên) thì sẽ bị trượt tốt nghiệp, phải thi lại vào năm sau.

Nếu thấy điểm số của mình sai sót, chênh lệch quá so với dự đoán, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo ở nơi đăng ký dự thi, hạn cuối là ngày 23/7.

Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong 10 ngày kể từ khi công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi. Trong 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả cho thí sinh.

Năm 2019, gần 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, giảm gần 40.000 so với năm ngoái. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức 653.000 thí sinh. Trong đó, thí sinh tự do chiếm 4,3%.

Theo kế hoạch tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trước 21/7. Các đại học phải chủ động cập nhật ngưỡng đầu vào trước ngày 22/7.

Từ ngày 22/7 đến trước 17h ngày 29/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức trực tuyến. Thời gian điều chỉnh bằng phiếu từ ngày 22 đến trước 17h ngày 31/7. Điểm chuẩn đợt 1 sẽ được công bố trước 17h ngày 9/8.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN