Triều Tiên đã xuất hiện tầng lớp “một phần trăm” là những thanh niên trong các gia đình thượng lưu sống chủ yếu ở thủ đô nên được gọi riêng là Pyonghattan (tên ghép giữa Bình Nhưỡng và Manhattan, trung tâm tài chính của cả thế giới ở New York)
Họ hay đến các phòng tập thể dục để muốn cho mọi người thấy là mình đam mê rèn luyện sức khỏe “Chúng tôi bị buộc phải ăn mặc một cách dè dặt ở Triều Tiên nên nhiều người thích đi đến các phòng tập để có thể khoe hình thể hoặc làn da của mình”, cô Lee (24 tuổi) nói với tờ The Washington Post.
Cô Lee, từng cùng gia đình đào tẩu sang Hàn Quốc hồi năm 2014 và hiện sống ở Mỹ, cho biết thêm phụ nữ giàu có ở Triều Tiên thích mặc đồ của nhãn hiệu nổi tiếng Elle còn đàn ông ưa chuộng các nhãn hiệu Adidas và Nike.
Nhiều phụ nữ ở Triều Tiên bắt đầu diện quần áo màu sáng và hợp thời như phu nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Ri Sol-ju, người được đánh giá là ưa thích thời trang. Tuy nhiên, những loại áo sát nách và váy quá ngắn hoặc nhuộm tóc vẫn bị cấm ở Bình Nhưỡng.
Phụ nữ Triều Tiên bắt buộc phải ăn mặc kín đáo. Ảnh: Washington Post
“Nếu bạn mặc quần áo quá khêu gợi hay không phù hợp với kiểu cách Triều Tiên, cảnh sát có thể ghi sổ và sau đó tên bạn sẽ bị loan báo trên đài phát thanh”, cô Lee cho hay.
Cũng theo The Washington Post, nhiều quý bà ở Bình Nhưỡng đang có xu hướng phẫu thuật mắt hai mí và nâng mũi để trông giống người phương Tây hơn. Phẫu thuật mắt hai mí ở Bình Nhưỡng có giá từ 50 đến 200 USD, tùy vào tay nghề của bác sĩ phẫu thuật.
Tại khu tổ hợp thể thao - giải trí ở giữa thủ đô Bình Nhưỡng, người dân chạy bộ trên máy, theo dõi các chương trình Disney qua tivi, hoặc tập yoga. Khu này còn có khu tổ hợp phục vụ tiệc cưới, giá thuê có thể đến 500 USD/giờ. Cà phê ở đây có giá bán chủ yếu từ 4 - 8 USD, còn ly mocha đá tốn đến 9 USD.
Đây là những con số rất cao khi lương công viên chức ngay tại Bình Nhưỡng không tới 10 USD/tháng. Tổng thể nền kinh tế Triều Tiên rất lạc hậu, công nghiệp không phát triển.Nhưng nhờ sự phát triển của tầng lớp thương nhân đã giúp thay đổi bộ mặt thủ đô, tạo ra thế hệ người giàu mới.
“Đây là nơi rất thú vị. Ở đây thì bạn có thể thấy nó giống bất cứ chỗ nào trên thế giới”, Andray Abrahamian, một người Anh, nói về khu tổ hợp.
Abrahamian đang điều hành một chương trình trao đổi cung cấp hỗ trợ tài chính cho người Triều Tiên. Gần đây, anh đã đăng ký chơi bóng quần ở khu phức hợp. “Giá không rẻ đâu, khoảng vài đôla Mỹ một lần, nên chắc chắn chỉ dành cho những người dư dả”, anh nói.
Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 5, 3 phóng viên của Washington Post đã đi đến một nhà hàng ẩm thực Đức gần Tháp Juche. Trong thực đơn, một phần bít tết với khoai tây nướng đặc biệt có giá đến 48 USD, trong khi món bít tết Wiener có rẻ hơn nhiều là 7 USD.
Phần lớn người dân Triều Tiên đến đây chỉ gọi món ăn địa phương, nhưng cũng với cái giá không hề rẻ, 7 USD cho một tô cơm trộn bibimbap.
Nhân viên một nhà hàng ở Triều Tiên. Ảnh: WP
Khu phức hợp Sunrise cũng có nhiều nhà hàng sushi và đồ nướng. Những nhóm người Triều Tiên khi đến đây ăn tiệc vào cuối tuần thường được phục vụ tư vấn phần thịt bò đặc biệt với giá 50 USD/người.
“Nếu không để ý đến những phù hiệu trên trang phục, bạn có thể tưởng nhầm họ là người Hàn Quốc. Những người Triều Tiên này đang chi từ 10 đến 15 euro cho một bữa ăn”, một người nước ngoài làm việc tại Triều Tiên nói.
Lee Seo Hyeon và anh trai Lee Hyeon Seung (30 tuổi) thuộc nhóm thanh niên có cuộc sống sung túc ở Bình Nhưỡng. Họ đều được du học ở Trung Quốc và thường xuyên đi đi, về về. Bố của Lee là một quan chức cấp cao, được giao nhiệm vụ làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Đối với Hyeon Seung, từ khi còn là thiếu niên, anh đã thường xuyên nghe nhạc Backstreet Boys, Britney Spears trước khi làn sóng K-Pop thâm nhập.
Những người bạn của anh chuộc các thương hiệu thời trang như Uniqlo, Zara, H&M vì “chúng phổ biến và giá cả phù hợp”. “Nhiều người bạn của tôi sống ở nước ngoài và họ thường mang những món đồ này về nước”, Hyeon Seung nói.