Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:55
RSS

Gian thương nhẫn tâm trộn bột gạo xay với hóa chất, phẩm màu thành sữa bột cao cấp

Thứ sáu, 26/01/2018, 10:52 (GMT+7)

Với tiêu chí giảm chi phí sản xuất để thu lãi khủng, nhiều cơ sở sản xuất sữa bột “chui” không ngần ngại sáng tạo ra những công thức sản xuất kinh hoàng.

Gian thương nhẫn tâm trộn bột gạo xay với hóa chất, phẩm màu thành sữa bột cao cấp
Gian thương nhẫn tâm trộn bột gạo xay với hóa chất, phẩm màu thành sữa bột cao cấp. Cơ quan công an triệt phá cơ sở làm giả sữa bột cao cấp

Từ nhiều loại bột gạo rẻ tiền, những đối tượng này sẵn sàng tạo ra hàng trăm loại sữa bột giả bằng cách trộn nguyên liệu dỏm với đường hóa học, phẩm màu, tinh sữa trôi nổi. Mưu cầu lợi nhuận một cách vô tâm, những công thức chế biến sữa bột giả gây ra nỗi lo suy dinh dưỡng, bệnh tật đối với thế hệ tương lai của xã hội

Sữa bột ngoại từ bột gạo và đường công nghiệp

Việc mua các loại sữa bột chất lượng kém về để làm nhái thương hiệu vẫn chưa thu được nhiều lợi nhuận. Do đó, một số cơ sở đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất  sữa giả một cách khép kín. Những cơ sở này thường ẩn mình trong các quận, huyện ngoại thành, thưa vắng người qua lại. 

Việc tiếp cận các cơ sở trên hết sức khó khăn. Bên ngoài, các cơ sở này thường gắn bảng sản xuất các mặt công nghiệp, gia công máy móc,… 

Tuy nhiên, sâu bên trong, chủ đầu tư thiết kế phòng, xưởng sản xuất sữa bột giả một cách tinh vi. Tìm hiểu thực tế, các cơ sở sản xuất sữa bột giả khép kín tự đặt in bao bì, nhãn mác, đầu tư máy dập nắp, hộp xay nguyên liệu dởm,...

Dưới sự “bảo kê” của H. “xám”, một “đầu nậu” tiêu thụ sữa giả tại TP.HCM, PV báo CL&XH được dịp tìm hiểu về công nghệ sản xuất các loại sữa bột giả tại cơ sở M.X. tại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Bên ngoài xưởng gắn bảng chuyên gia công, sản xuất thùng thiếc đựng thiết bị phòng cháy chữa cháy. Các công nhân làm việc trong tiếng máy dập, cắt sắt, thép ầm ỹ. Tuy nhiên, phía sau xưởng gia công này, cơ sở sản xuất sữa bột giả bí mật hoạt động trong tiếng máy xay bột ầm ào. Trên nền xi măng đen kịt, bốc mùi dầu nhớt la liệt vỏ, hộp sữa bột do chính cơ sở này sản xuất.

Theo H. “xám”, M.X. là cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa bột thuộc dạng có tiếng trong huyện. Cơ sở không chỉ sản xuất sữa bột thành phẩm mà còn là nơi cung cấp nguyên liệu chính cho các cơ sở làm giả khác trong TP. HCM. 

Mặc dù có người giới thiệu, người quản lý của cơ sở M.X. vẫn không tiết lộ công thức, công nghệ sản xuất nguyên liệu sữa bột giả. Được hỏi, người này chỉ tiết lộ: “Ở đây sản xuất nguyên liệu cho ngành sữa bột từ nhiều loại thực phẩm và các phụ gia khác. Tuy nhiên, do tính cạnh tranh, bí mật kinh doanh nên chúng tôi không tiện tiết lộ công thức pha trộn, tỉ lệ pha trộn giữa các thành phần”.

Theo “hiểu biết” của H. “xám”, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất sữa bột giả của các cơ sở loại này là gạo tẻ, nếp xay. “Có cơ sở độn thêm bột từ các loại ngũ cốc khác rồi trộn với các loại hương sữa, đường công nghiệp,… Nói chung, tất cả các loại nguyên liệu đều được cơ sở mua ngoài chợ trời, chọn lựa những mặt hàng có rẻ nhất, đại trà nhất. 

Ví dụ như gạo tẻ, người ta chọn loại gạo giá rẻ, không có mùi thơm vì sau khi xay ra, đỡ chi phí xóa mùi bột gạo đặc trưng. Chất tạo ngọt, người ta cũng mua đường công nghiệp vì không chỉ rẻ mà dùng ít lại ngọt nhiều. Các loại phụ gia khác tôi cũng không rõ. Đại khái là các hương liệu, phẩm màu bán đầy ngoài chợ Kim Biên, trên mạng,…”, H. “xám” nói.

Rùng mình công nghệ làm giả

Kiên quyết không tiết lộ công thức, thành phần, cách pha trộn nguyên liệu sữa bột giả, cơ sở M.X. tiễn PV bằng việc giới thiệu một cơ sở khác có quy mô nhỏ hơn tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Có mặt tại cơ sở không tên, sản xuất theo kiểu hộ gia đình tại huyện Bình Chánh, PV được dịp tận mắt chứng kiến quy trình chế biến bột gạo thành sữa bột hạng sang. 

Trong khuôn viên xưởng sản xuất chưa đầy 50m vuông, nhân công làm việc mình trần trùng trục liên tục khuân vác các thùng nhựa chứa nhiều loại bột lạ. Được hỏi, những người này cho biết đó là bột gạo tẻ, gạo nếp. Thứ màu trắng là bột gạo chưa rang chín, bột màu vàng là bột đã rang. Ngoài ra, còn có các loại bột đậu nành rang, mè, bắp xay mịn,…

Gian thương nhẫn tâm trộn bột gạo xay với hóa chất, phẩm màu thành sữa bột cao cấp
Các thùng nguyên liệu và sữa giả thành phẩm bị cơ quan công an thu giữ

Xen kẽ các thùng chứa bột này là những thùng nhỏ hơn chứa nhiều loại hóa chất phẩm màu, phụ gia không rõ nguồn gốc. Để tạo ra các loại sữa mang nhãn hiệu nhiều nổi tiếng, nhân viên tại đây tiến hành pha trộn các loại nguyên liệu trên với tỉ lệ, công thức đã được tính toán sẵn. 

Quan sát thực tế, PV nhận thấy, sau khi đổ các bao bột nguyên liệu ra, nhân viên đem đến máy trộn, trút tất cả vào máy này. H.T.H. (34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), nhân viên cơ sở tiết lộ: “Tất cả các loại nguyên liệu kể cả đường trước khi trộn phải được xay thật mịn và bảo quản trong điều kiện khô thoáng. Nếu không, bột nguyên liệu sẽ hút ẩm, vón cục không xài được. Sau đó, ta đổ bột nguyên liệu, đường ngọt, đường lạt, tinh sữa vào máy trộn theo tỉ lệ 8 bột gạo, 1 bột đậu nành, 1 tinh sữa,…”.

“Các loại phụ gia khác như chất tạo béo, tạo mùi sữa đặc trưng,… ta trộn vừa đủ. Đối với từng hãng sữa khác nhau, chúng có màu sắc khác nhau. Có loại màu vàng nhạt, màu trắng, màu sữa,… Muốn làm sữa của hãng nào thì cho phẩm màu, hương liệu giống với hãng đó. 

Sau cùng, ta cho thêm chất bảo quản vào rồi đem sấy cho bột thật khô. Khâu này rất quan trọng vì nếu không thì bột nhanh hỏng. Trường hợp này, nhẹ thì bột bị ẩm, vón cục, nặng thì bột chuyển màu, lên mốc trước hạn sử dụng”, H. cho biết thêm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quy trình sản xuất sữa bột chất lượng phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy trình đảm bảo vệ sinh. Sau quá trình tạo ra sữa bột từ sữa tươi, cơ sở sản xuất phải đảm bảo vệ sinh cho loại nguyên liệu này bằng công tác thanh trùng. 

Quá trình này làm giảm số vi sinh vật trong sữa đến mức thấp nhất, đồng thời vô hoạt các enzym, đặc biệt là nhóm enzym bền nhiệt lipase, làm thay đổi tính chất của protein. Thanh trùng thường được thực hiện ở nhiệt độ 80-85 độ C trong vài giây. Quá trình thanh trùng sữa được thực hiện trên thiết bị trao đổi nhiệt dạng bảng mỏng. 

Quá trình đóng gói, đóng hộp cũng được thực hiện trong điều kiện chân không hoặc thổi hỗn hợp 90% nitơ, 10% hydro vào hộp trước khi ghép nắp nhằm kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm.

Trong khi đó, tại các cơ sản xuất chui, khâu đóng gói không hề được chú trọng. Để sản phẩm không hút ẩm, ngoài việc thẳng tay sử dụng các chất bảo quản hóa học, các hộp này được thổi vào một lượng lớn khí nitơ, hydro. 

Sau khi đóng hộp, dập nắp bạc,…, sản phẩm giả nói trên sẽ được dán nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng do các cơ sở tự đặt in. Cuối cùng, sữa bột giả được gian thương cung cấp cho các đầu nậu buôn hàng giả vận chuyển, phân phối, tiêu thụ ở các tỉnh kém phát triển với giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm chất lượng. Một số lượng hàng giả khiêm tốn hơn sẽ được các đầu nậu này bỏ mối cho các cửa hàng bán sữa trên địa bàn TP.

Liên tiếp thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá các cơ sở sản xuất sữa bột giả. Mới đây, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. HCM triệt phá cơ sở sản xuất sữa giả dành cho bà bầu, trẻ em trên đường Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM) do ông Hồ Bảo Sơn đứng đầu. 

Trước đó, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) khám xét và bắt giữ Lê Tấn Phước cũng liên quan đến việc tiêu thụ nhiều loại sữa bột không rõ nguồn gốc. Tiếp đó, Công an TP. Huế cũng khám phá đường dây nhập lậu, đánh tráo, thay đổi nhãn mác thương hiệu nổi tiếng sữa Ensure, thu giữ hàng nghìn lít sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, loại 237ml.

Ngọc Hà
Theo Công lý & Xã hội