Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:19
RSS

Gian lận thi cử tại Sơn La: Thí sinh có thi lại để đảm bảo công bằng?

Thứ năm, 02/08/2018, 10:19 (GMT+7)

Liên quan đến việc gian lận thi cử tại Sơn La, ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La đã đốt đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc của các thí sinh Sơn La được nâng điểm. Vậy thí sinh Sơn La có thi lại để đảm bảo công bằng?

Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử tại Sơn La, ngày 18/7, khi Bộ GD-ĐT cử một tổ công tác lên Sơn La, lo sợ tổ công tác sẽ kiểm tra, phát hiện và khôi phục được dữ liệu gốc nên ông Trần Xuân Yến hướng dẫn bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Quản lý và Chất lượng Sở GD-ĐT Sơn La) in sao dữ liệu ra CD rồi dùng phần mềm xóa các file dữ liệu đã scan bài thi gốc trong máy tính. Sau đó, tiếp tục tự mình đem tiêu hủy 16 CD này cùng một số tài liệu tại một nghĩa trang ở TP Sơn La.

Theo tin tức thời sự từ báo Người lao động, việc các CD lưu dữ liệu gốc của thí sinh bị thiêu hủy cũng đồng nghĩa với việc các chuyên gia có thể "bó tay" trong việc khôi phục dữ liệu gốc. Điều này đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo đảm công bằng cho kỳ thi cũng như bảo vệ quyền lợi của các thí sinh không gian lận?

Liệu có cần thiết phải tổ chức thi lại ở Sơn La hay không? Vì nếu không có dữ liệu gốc, các thí sinh tiêu cực đang lấy đi những cơ hội của các thí sinh khác.

gian lận thi cử tại Sơn La
Nếu không có dữ liệu gốc, các thí sinh tiêu cực đang lấy đi những cơ hội của các thí sinh khác. Ảnh minh họa

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), từng cho hay tất cả phương án bộ đã chuẩn bị sẵn, hoàn toàn không bị động nhưng lựa chọn phương án nào sẽ phải chờ vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra một phương án cụ thể.

Chiều 1/8, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay, về sự việc tại Sơn La, Bộ Công an, từ A71 cho đến các bộ phận chức năng đang rất quyết tâm làm, mang cả các thiết bị hiện đại tới.

“Tôi tin rằng các thiết bị đó sẽ khôi phục được đúng điểm gốc. Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an để có phương hướng xử lý cho phù hợp. Hiện nay vẫn chưa có kết quả. Bộ cũng đã chuẩn bị các phương án nhưng căn cứ vào kết quả cuối cùng của cơ quan điều tra, Bộ Giáo dục sẽ có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh”, ông Độ nói.

Về phương hướng “bịt” các lỗ hổng trong kỳ thi “2 trong 1”, Bộ GD-ĐT cũng đã có phương án, rà soát lại toàn bộ quy trình coi thi, chấm thi, nâng cao đạo đức của cán bộ, nhà giáo, hoàn thiện phần mềm chấm thi để các đối tượng xấu không thể can thiệp được.

Đối với việc chấm thi trắc nghiệm thì có máy móc, còn thi tự luận Bộ GD-ĐT đang tính tới phương án tổ chức chấm theo cụm để tránh việc địa phương tự chấm bài thi của các thí sinh của mình.

Bên cạnh đó, trong việc xử lý vi phạm trong thi cử thông qua đợt rà soát vừa qua, quan điểm của Bộ GD-ĐT là không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, VOV cho hay.


Xem thêm: Dựng lại hiện trường vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN