Liên Bộ Công thương – Tài chính vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới theo chu kỳ 10 ngày 1 lần. Giá mới được áp dụng từ 15h hôm nay (21/7).
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 1.220 đồng/lít, lên mức 21.630 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 1.300 đồng/lít, lên mức 22.790 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, lên mức 19.500 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 860 đồng/lít, lên mức 19.180 đồng/lít; dầu mazut tăng 440 đồng/lít, lên mức 15.720/kg.
Ở kỳ điều chỉnh này, nhà điều hành tiếp tục không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lý giải về nguyên nhân Giá xăng dầu tăng, Bộ Công Thương cho biết là do giá thế giới gần đây tăng cao. Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành này (từ ngày 11/7-21/7) chịu ảnh hưởng của các yếu tố, như: dự trữ dầu thô của Mỹ giảm; nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh, dự trữ của Trung Quốc cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại, dự kiến còn tiếp tục tăng; dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên 5,25%-5,5% vào tuần tới,... nên biến động tăng.
Giữa kỳ điều hành (ngày 11/7 và 21/7), bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 93,12 USD/thùng xăng RON92 (tăng 7,39 USD/thùng, tăng 8,62% so với kỳ trước); 98,92 USD/thùng xăng RON95 (tăng 7,235 USD/thùng, tăng 7,89% so với kỳ trước). Giá các mặt hàng dầu hỏa, dầu diesel cũng tăng khoảng 5,9%; dầu mazut tăng 3,76% so với kỳ trước.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đối với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu hạ tầng dự trữ sản xuất: Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Đối với hạ tầng dự trữ thương mại, đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10.500.000 m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng.
Đối với hạ tầng dự trữ quốc gia, đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500.000-1.000.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000-800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.