Bắt đầu từ 15h chiều ngày 11/9, Liên Bộ Công Thương đã phát đi thông báo điều chỉnh Giá xăng dầu Cụ thể, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1, giá bán xăng E5RON92 giảm 143 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 443 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 532 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 130 đồng/lít so với giá hiện hành. Cụ thể, giá điều chỉnh như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 14.266 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 14.984 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.518 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 9.593 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 10.943 đồng/kg.
Giá các mặt hàng xăng dầu phổ biến tại vùng 1 và vùng 2 ngày 2/10 như sau:
- Giá xăng A95 dao động trong khoảng 15.080 - 15.380 đồng/lít.
- Giá xăng E5 ở mức 14.260 – 14.540 đồng/lít.
- Giá dầu DO đạt mức 11.910 – 12.140 đồng/lít.
- Dầu hỏa có giá 9.590 – 9.780 đồng/lít.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 2/10, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ trên sàn New York Mercantile Exchanghe giao tháng 11/2020 giảm 0,25 USD/thùng trong phiên, hiện đang giao dịch ở mức 38,47 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2020 giảm 0,23 USD/thùng trong phiên (giảm 1,49 USD so với cùng thời điểm ngày 1/10), hiện đang giao dịch ở mức 42,70 USD/thùng.
Giá dầu ngày 2/10 giảm mạnh trong lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm vốn được coi là "át chủ bài" của Bắc Kinh.
Giới đầu tư lo ngại sẽ có những sự “đáp trả” qua lại trên mặt trận kinh tế giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này nếu xảy ra sẽ là thảm hoạ đối với thị trường dầu thô và được xem là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu hôm nay đi xuống.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 gia tăng tại nhiều quốc gia cũng đe doạ khả năng tiêu thụ nhiên liệu của các nền kinh tế và sản lượng khai thác của OPEC tăng. Theo Reuters, nguồn cung dầu thô từ OPEC trong tháng 9/2020 đã tăng 160 ngàn thùng/ngày so với tháng 8/2020. Phần lớn nguồn cung tăng này đến từ Libya và Iran bởi cả 2 được miễn trừ trong thoả thuận cắt giảm của OPEC+.