Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:50
RSS

Giá vàng hôm nay 21/8: Dồn dập tranh mua, vàng lại lên đỉnh

Thứ tư, 21/08/2019, 10:04 (GMT+7)

Giá vàng trên thị trường thế giới tăng trở lại bất chấp USD cũng tăng giá. Sức cầu tăng nhanh với kỳ vọng triển vọng dài hạn của mặt hàng kim loại quý vẫn rất sáng sủa.

Mở cửa lúc 8h30 sáng 21/8, Giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,00 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100 ngàn đồng ở chiều mua vào so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,82 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ ngày 20/8.

Tới đầu giờ sáng 21/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.508 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 năm 2019 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.518 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 17,5% (225 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 41,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 100 ngàn đồng so với vàng trong nước.

Giá vàng hôm nay 21/8: Dồn dập tranh mua, vàng lại lên đỉnh
Giá vàng vẫn đang ở mức cao.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại bất chấp đồng USD cũng tăng giá. Sức cầu bắt đáy đối với vàng tăng nhanh với kỳ vọng triển vọng dài hạn của mặt hàng kim loại quý này vẫn rất sáng sủa.

Trước đó, vàng đã có vài phiên quay đầu giảm từ đỉnh 6 năm sau khi căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc tạm thời lắng dịu, trong khi tình hình kinh tế Mỹ vẫn khả quan với nhiều chỉ số tích cực. 

Trong một nhận định gần đây, nhà đầu tư nổi tiếng Mark Mobius, chủ quỹ Mobius Capital Partners LLP cho rằng, triển vọng dài hạn của vàng là “tăng, tăng và tăng” bởi nguồn cung tiền đang tăng lên khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo ông Mobius, với những nỗ lực để giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương sẽ in tiền như điên. Vàng được dự báo tăng chủ yếu do ngân hàng trung ương hàng loạt quốc gia đã và đang chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất cũng như kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa đưa ra động thái giảm chi phí đi vay cho các công ty Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ Đức được cho là đang chuẩn bị các biện pháp kích thích tài khóa.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ giảm thêm lãi suất ngay trong tháng 9 này, mức giảm có thể là 25 hoặc 50 điểm phần trăm thấp hơn mong muốn 100 điểm của ông Trump; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách...

Theo Washington Post, chính quyền ông Donald Trump đang nghiên cứu thêm các biện pháp ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng và kích thích kinh tế, trong đó có khả năng giảm thuế biên chế. Đây là hình thức khấu trừ thu nhập và thuế an sinh xã hội cho các chương trình bảo hiểm y tế và xã hội. Hàng triệu người Mỹ đang phải mức trả thuế biên chế 6,2%.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc có kế hoạch cải tiến cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng 8, nhằm giảm lãi suất đi vay để thúc đẩy tiêu dùng và qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế đầu tàu của EU - Đức cũng đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chính sách cân bằng tài chính, chấp nhận nợ để kích thích kinh tế. Vàng được hỗ trợ bởi mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc không sớm được giải quyết và sự đình chiến được cho chỉ là tạm thời

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây thẳng thừng cho biết ông “vẫn chưa sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại” với Trung Quốc. Ông Trump muốn Bắc Kinh sớm ổn định tình hình ở đặc khu hành chính Hong Kong trước khi có được một bản thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Rose
Theo Đời sống Plus/GĐVN