Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:51
RSS

Giá vàng hôm nay 20/8: Giá vàng thế giới rời đỉnh cao

Thứ ba, 20/08/2019, 09:30 (GMT+7)

Giá vàng trên thị trường thế giới hôm nay rời đỉnh cao và xuống dưới ngưỡng quan trọng do áp lực bán chốt lời tăng mạnh trong bối cảnh thế giới.

Mở cửa lúc 8h30 sáng 20/8, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,75 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 10-20 ngàn đồng ở chiều mua vào so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết Giá vàng SJC ở mức 41,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,67 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ ngày 19/8.

Tới đầu giờ sáng 20/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.498 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 năm 2019 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.508 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 16,8% (215 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 41,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 200 ngàn đồng so với vàng trong nước.

Giá vàng hôm nay 20/8: Giá vàng thế giới rời đỉnh cao
Giá vàng hôm nay giảm nhẹ.

Giá vàng thế giới rời đỉnh cao và xuống dưới ngưỡng quan trọng 1.500 USD/ounce do áp lực bán chốt lời tăng mạnh trong bối cảnh thế giới, trong đó có nước Mỹ đang trì hoãn “một điều không thể tránh khỏi”.

Áp lực bán vàng tăng khá nhanh, nhiều tổ chức đầu tư lớn, trong đó có SPDR bán ra trong bối cảnh chứng khoán và đồng USD tăng mạnh. Giới đầu tư bớt lo ngại về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi Mỹ và Trung phát đi những tín hiệu thương mại lạc quan hơn và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đồng loạt cắt giảm lãi suất.

Theo đó, các nền kinh tế sẽ mạnh hơn và kéo theo đó các thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực sau quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của các nước. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách. Trong khi Trung Quốc cũng sẽ kích cầu kinh tế. 

Hiệu ứng “tiền rẻ” sẽ giúp các nước chứng kiến lấy lại đà tăng trưởng. Nền kinh tế thế giới đáng ra đã bước vào một đợt suy thoái, nước Mỹ cũng ở không xa một kịch bản như vậy… nếu như ngân hàng trung ương đã không nới lỏng chính sách.

Tuy nhiên, đây được xem là một cuộc chơi được mất, tăng trong ngắn hạn thì sẽ đau trong dài hạn. Các nước thúc đẩy được nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ chịu áp lực suy thoái lớn hơn.

Với Mỹ, ông Donald Trump có lẽ không thể để kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2020 cũng như không thể để hủy hoại tâm lý trên thị trường. Nhưng về dài hạn, không có giải pháp nào, rủi ro suy thoái toàn cầu sẽ tăng lên.

Vàng chịu áp lực trong ngắn hạn do hoạt động chốt lời, nhưng dài hạn vẫn được xem là một kênh trú bão cho giới đầu tư.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế, qua đó xoa dịu những lo ngại về một cuộc suy thoái.

Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản trong tháng 9. Thị trường đang phản ánh khoảng 70% khả năng này.

Quan hệ Mỹ-Trung bớt căng thẳng sau khi chính quyền ông Donald Trump lùi thời hạn áp thuế mới và loại bỏ một số mặt hàng ra khỏi danh sách đánh thuế. Sự trì hoãn của ông Trump được xem là do ông Trump muốn đảm bảo một nền kinh tế được tốt kéo dài cho tới 2020. Mùa Giáng sinh thường có một cú huých lớn cho nền kinh tế, việc lùi thời điểm áp thuế là hợp lý.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thẳng thừng cho biết ông “vẫn chưa sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại” với Trung Quốc. Ông Trump muốn Bắc Kinh sớm ổn định tình hình ở đặc khu hành chính Hong Kong trước khi có được một bản thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Rose
Theo Đời sống Plus/GĐVN