Thứ ba, 16/04/2024 | 12:44
RSS

Giáp Tết: Bánh chưng "ngon nhất đất Bắc" làm không kịp bán

Thứ sáu, 27/01/2017, 07:00 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng Chạp, người dân làng Tranh Khúc lại tất bật gói bánh chưng kịp cung cấp cho thị trường Tết. Bánh chưng tại đây không tăng giá suốt nhiều năm qua và thường cháy hàng những ngày cận Tết.

Sự kiện:

PV báo Đời sống Plus tìm đến làng Tranh Khúc (Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Từ đầu làng, không khó để cảm nhận mùi thơm của bánh chưng.

Người dân làng Tranh Khúc có truyền thống làm bánh từ bao đời nay. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau giữ nghề làm bánh và cung cấp số lượng lớn cho người dân Thủ đô mỗi dịp Tết đến xuân về.

Banh-chung-tranh-khu-1

Bánh chưng làng Tranh Khúc được mệnh danh là ngon nhất đất Bắc, làm không kịp bán ngày giáp Tết. Ảnh Trí Kiên

Trong làng, nhà nào cũng thấy những hàng lá dong xếp theo tầng gọn gàng, xanh mướt. Người rửa lá, người gói bánh, không khí ở đây tấp nập và ồn ào hơn bao giờ hết. Dịp cận Tết, lượng đặt hàng tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp ba nên nhà nào cũng huy động nhân lực để có thể giao hàng như đã hẹn.

Banh-chung-tranh-khu-2

Sản phẩm này không chỉ bán trong nước mà còn phục vụ bà con kiều bào ở Pháp, Bỉ, Đức, Ý (Ảnh Trí Kiên)

Với 50 năm tay nghề, bà Nguyễn Thị Lụa (70 tuổi) vừa làm vừa kể: "Nghề làm bánh của làng đã từ rất lâu rồi. Khi còn nhỏ đã thấy dân làng gói bánh, mỗi dịp cận Tết bố mẹ thường phải dậy sớm từ 3 giờ sáng để gánh bánh bán cho các làng kế bên. Sau kháng chiến, nghề làm bánh Chưng dần được phục dựng, phát triển cho đến ngày hôm nay".

Banh-chung-tranh-khu-3

Rửa lá dong là công đoạn quan trọng trước khi gói bánh (Ảnh Trí Kiên)

Cũng theo bà Lụa, hiện có rất nhiều nơi làm bánh Chưng với mục đích thương mại, kiếm lời mà quên đi chất lượng, quên đi hương vị truyền thống trong Tết cổ truyền. Bấy lâu nay bánh chưng Tranh Khúc vẫn nức tiếng từ Bắc chí Nam. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân trong làng lại tấp nập chuẩn bị gạo ngon, lá dong sạch, nồi, lửa để nấu bánh với tôn chỉ giữ nguyên hương vị của dân tộc mình.

Có lẽ xuất phát từ điều đó mà bánh chưng Tranh Khúc luôn khan hang dù đã tăng sản lượng. Bên cạnh cung cấp cho thị trường trong nước, bánh chưng Tranh Khúc còn phục vụ bà con Việt Kiều ở các nước Pháp, Đức, Ý, Ba Lan...

Banh-chung-tranh-khu-5

Bánh Chưng "ngon nhất đất Bắc" vào vụ lớn dịp cận tết (Ảnh Trí Kiên)

Để làm nên chiếc bánh chưng, phải tiến hành qua nhiều công đoạn như rửa lá dong, ngâm gọ nếp qua đêm, làm nhuyễn đậu xanh, ướp thịt lợn sau đó mới bắt tay vào gói bánh.

"Để làm nên chiếc bánh chưng ngon miệng, vừa mắt, người làm phải tính toán lượng gạo, thịt sao cho cân đối trong mỗi chiếc bánh. Bánh chưng không phải cứ thịt nhiều là ngon. Người làng Tranh Khúc chọn loại gạo nếp cái hoa vàng trồng ở vung Hải Hậu, thịt lợn được lựa chọn thật kỹ để có được miếng thịt ngon. Đậu đã nghiền vỡ đều để làm nhân cho hương vị thêm đậm đà" - bà Lụa cho biết thêm.

Banh-chung-tranh-khu-6

Từng công đoạn làm bánh được bà Lụa làm một cách tỉ mỉ nhằm tạo nên hương vị đặc trưng riêng của chiếc bánh Chưng (Ảnh Trí Kiên)

Mỗi chiếc bánh chưng Tranh Khúc cũng được ước lượng chuẩn theo hai loại to nhỏ. Mỗi chiếc bánh nhỏ (bao gồm cả gạo, thịt đậu) thường có trọng lượng 5 lạng, bánh lớn 8 lạng. Thịt lợn phải thái to lát và gọi trọn vào trong lớp đậu xanh đồ nhuyễn.

Trung bình mỗi ngày, mỗi người thợ gói được trên trăm chiếc. Dịp lễ tết, các thợ thường phải làm thêm giờ mỗi ngày trên 200 chiếc nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nguồn cung cho khách mua. Đó là chưa kể, một lượng lớn khách quen đã đặt sẵn từ trước Tết Dương lịch.

Banh-chung-tranh-khu-8

Những chiếc bánh Chưng vuông vắn và đẹp mắt đang được hoàn thiện (Ảnh Trí Kiên)

Bánh Chưng phải được luộc bằng bếp củi mới chín nhừ, nhưng đôi khi, để bảo vệ môi trường, một số hộ dân vẫn luộc bằng bếp điện. Người ta thường chọn luộc bánh vào ban đêm, sau một đêm thì được vớt ra rồi ép cho chắc. Người dân Tranh Khúc gói bánh rất vừa tay, và chắc chắn. Theo người dân ở đây cho biết, bánh chưng đẹp phải vuông vắn, sắc cạnh, đều tăm tắp.

Trung bình mỗi dịp lễ Tết, các gia đình làm bánh thường xuất đi ngàn chiếc cho thị thường nội địa. Dịp tết giá cả nguyên liệu tăng nhưng bánh chưng tại làng không tăng giá, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc tùy lọai to nhỏ. Giá bánh ổn định cùng chất lượng được đảm bảo cũng góp phần đẩy mạnh doanh thu, số lượng đặt hàng. Chính vì thế mà bánh chưng Tranh Khúc ngày càng được nhiều người yêu mến.

Trí Kiên
Theo Đời sống Plus