Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:56
RSS

F0 nào được cách ly tại nhà, chăm sóc thế nào?

Thứ sáu, 16/07/2021, 08:40 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP.HCM vừa có công văn khẩn về việc cho F1 và F0 cách ly tại nhà. Vậy F0 nào được cách ly tại nhà, phương pháp này liệu có an toàn, chăm sóc bệnh nhân làm sao?

Sự kiện:
Covid-19

Đối tượng F0 nào được cách ly tại nhà?

Thống kê cho thấy của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có hơn 80% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không cần chăm sóc y tế.


PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe Quang Trung - Trường Đại học Quang Trung

Theo các chuyên gia, nếu số F0 này đưa hết vào bệnh viện thì riêng việc bố trí giường bệnh, chăm sóc đã là áp lực lớn cho ngành y tế. Các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải làm hồ sơ, bệnh án, chăm sóc, điều trị dinh dưỡng cho những người này như người bệnh mặc dù chưa cần thiết. Việc này cũng dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải vì người nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện không còn nguồn lực để chăm sóc các bệnh nhân khác đang cần hơn. Với lượng bệnh nhân lớn như vậy các bệnh nhân khác sẽ rất thiệt thòi, không có cơ hội tiếp cận với điều trị. 

Nhiều bác sĩ, chuyên gia cho rằng nên cho cách ly và điều trị tại nhà với những bệnh nhân covid-19 biểu hiện bệnh nhẹ và không triệu chứng để giảm áp lực cho bệnh viện là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe Quang Trung (Trường Đại học Quang Trung) cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất cho F0 cách ly tại nhà là hợp lý, nếu đủ điều kiện đảm bảo không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Đây là biện pháp có lợi, có thể tiết kiệm công sức, tiền của cho cả ngành y tế và nhà nước”.

Ông Nga cũng cho rằng, giống như các F1, nếu được cách ly ở nhà với điều kiện có phòng riêng, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, có thể người dân sẽ chấp hành tốt hơn.

“Nếu được cách ly ở nhà, với những người không có triệu chứng, sức khoẻ tốt, họ thậm chí vẫn có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân tốt hơn và làm việc bình thường trong điều kiện cách ly như: làm việc qua điện thoại, máy tính, online… không những không lãng phí tiền của, mà họ vẫn có thể làm ra của cải, vật chất cho xã hội”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga chia sẻ.

Để cụ thể hơn việc cách ly F0, F1 tại nhà, Sở Y tế TP.HCM đã có những hướng dẫn chi tiết về việc này.

Theo đó, đối với các F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp, không còn khả năng lây nhiễm thì về cách ly tại nhà với điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm tại nhà RT-PCR ngày thứ 14 và 21. 

F0 không triệu chứng cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, y tế địa phương theo dõi trực tiếp sức khỏe F0. Khi F0 có những triệu chứng báo động về y tế thì phải được đưa cấp cứu, điều trị kịp thời.

F0 cách ly tại nhà cần phải làm gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, khi cách ly tại nhà các F0 có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân tốt hơn, có thể bổ sung dinh dưỡng như ăn nhiều rau xanh, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, các khoáng chất. Các F0 cũng nên tập thể dục nhẹ trong phòng, thường xuyên mở cửa sổ thông thoáng; rác thải, đồ dùng cá nhân, áo quần nên để riêng và xử lý đúng quy định.

Nơi cách ly cho các trường hợp F0 phải đảm bảo đủ điều kiện về phòng cách ly, khu vệ sinh riêng biệt đầy đủ, người phục vụ riêng cho F0 cần có phân công rõ ràng để chủ động phòng tránh lây nhiễm.


Công tác xét nghiệm tại TP.HCM (Ảnh Internet)

Về việc hướng dẫn theo dõi, nâng cao sức khoẻ cho những trường hợp này cần phải rất cụ thể như có quy trình xét nghiệm, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó, ngành y tế cần hướng dẫn người dân, khi xuất hiện tình trạng nặng lên qua các dấu hiệu lâm sàng như ho, sốt, khó thở, tức ngực… thì cần báo ngay.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, cần phải có những cam kết, chế tài nhất định nếu những người cách ly tại nhà vi phạm quy định cách ly. Tại các địa phương, Bộ Y tế phải có những quy định về điều kiện cụ thể. Trường hợp F0 không có đủ điều kiện cách ly bên ngoài bệnh viện, thì phải cho vào cách ly điều trị tập trung.

“Đặc biệt, khi thực hiện cách ly F0 tại nhà, y tế địa phương phải có các biện pháp dự phòng các tình huống như khi bệnh nhân trở nặng đột xuất, khó thở, chuyển sang viêm phổi…; điều kiện đưa đi cấp cứu cũng phải đảm bảo. Phải có tư vấn của bác sĩ, sẵn sàng chuyển bệnh nhân đi điều trị”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga góp ý.

Ngân Nga
Theo Gia Đình Việt Nam