Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:59
RSS

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đón khách sau nhiều lần "lỡ hẹn"

Thứ bảy, 06/11/2021, 09:25 (GMT+7)

Sáng nay (6/11), dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dưới sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội chính thức được bàn giao để vận hành khai thác, miễn phí vé cho người dân trong 15 ngày đầu.

Tại buổi lễ bàn giao dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn công bố chính thức tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng yêu cầu công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội khẩn trương tiếp nhận hồ sơ, chuyển giao công nghệ vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đồng thời, có phương án đảm bảo an toàn giao thông kết nối các phương thức, loại hình vận tải công cộng và tạo điều kiện cho hành khách đi tàu.

Đường sắt Cát Linh Hà Đông chính thức đón khách sau nhiều lần lỡ hẹn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được bàn giao vận hành khai thác vào ngày 6/11. Ảnh: Thế Anh

Về kế hoạch khai thác, ông Tuấn khẳng định: "Kể từ ngày hôm nay, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành trong năm đầu tiên chia thành 2 giai đoạn 6 tháng đầu và 6 tháng sau. Trong 15 ngày đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông miễn phí vé cho hành khách".

"Sau giai đoạn này, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác vận hành bền vững lâu dài mãi mãi. Về tính ưu việt, dự án có thời gian chạy tàu từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất 15 phút. Để đảm bảo an toàn chạy tàu Cát Linh - Hà Đông, TP.Hà Nội đã yêu cầu Công an và các lực lượng liên quan hỗ trợ đơn vị vận hành trong thời gian đầu", ông Tuấn cho hay.

Đường sắt Cát Linh Hà Đông chính thức đón khách sau nhiều lần lỡ hẹn

Ga Cát Linh thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đón khách từ ngày 6/11. Ảnh: Thế Anh

Gá vé tàu Cát Linh - Hà Đông tương đương vé xe buýt khoảng 7 nghìn đồng và cứ đi 1km sẽ cộng thêm 600 đồng. Đối với người đi vé tháng thì đi bao nhiêu sẽ trừ bấy nhiêu. Đối với hành khách đi vé lượt thì sẽ làm tròn đi 1 ga là 8 nghìn đồng, thêm một ga là 9 nghìn đồng và đi cả tuyến là 15 nghìn đồng.

Vé tháng bình thường là 200 nghìn đồng, còn vé tháng ưu tiên là 100 nghìn đồng. Vé tháng của tàu Cát Linh – Hà Đông có tính ưu việt sử dụng trong 30 ngày, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau và có vé ngày. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ cho các vị trí để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh Hà Đông chính thức đón khách sau nhiều lần lỡ hẹn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông miễn phí vé cho hành khách trong 15 ngày đầu tiên vận hành chính thức. Ảnh: Thế Anh

Dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, hạ tầng hiện nay không có chỗ để gửi ôtô, song với 12 ga sẽ có 12 điểm cho phép người dân được gửi xe máy, xe đạp. Người dân muốn tiếp cận metro có thể phải đi bộ 200 - 400 m.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Có rất nhiều bài học rút ra từ dự án Cát Linh - Hà Đông do đây là dự án thí điểm, kinh nghiệm chưa nhiều. Từ khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dự án phải điều chỉnh bổ sung, trình các cấp thẩm quyền vì kéo dài".

"Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành đánh dấu mốc lịch sử về hệ thống đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội", ông Đông khẳng định.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được phê duyệt năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) và sau đó điều chỉnh lên 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) - tăng tương đương 315,18 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD).

Thế Anh
Theo Dân Việt