Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:36
RSS

Đường cùng, Tây Ban Nha sẽ dùng điều này để ngăn Catalonia xứ Catalan ly khai

Thứ sáu, 13/10/2017, 10:51 (GMT+7)

Nếu không thể ngăn Catalonia xứ Catalan ly khai, Tây Ban Nha bắt buộc phải dùng tới Điều 155 của Hiến pháp mà trước nay chưa hề dùng.

Ngày 11/10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố cho Catalonia xứ Catalan 8 ngày để từ bỏ ý định ly khai. Nếu vùng này không tuân thủ, ông Rajoy sẽ cắt bỏ quyền tự trị và chính quyền TBN sẽ trực tiếp quản lí Catalonia.

Tuy tuyên bố này khiến căng thẳng giữa Madrid và khu vực đông bắc Tây Ban Nha leo thang, nhưng nó cũng mở ra hướng giải quyết vấn đề chính trị nghiêm trọng nhất của nước này kể từ cuộc đảo chính lịch sử năm 1981.

Catalonia xứ Catalan
Biểu tình rầm rộ tại Catalonia xứ Catalan. Ảnh: AFP

Ông Rajoy có thể sẽ tổ chức một cuộc bầu cử cấp khu vực sau khi viện tới Điều 155 của Hiến pháp để vô hiệu hóa quyền điều hành của chính quyền Catalonia.

Điều khoản 155 trong hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha cho phép Madrid thực thi quyền kiểm soát trực tiếp trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, nhưng chưa từng được sử dụng trước đó.

Theo AFP, điều khoản 155 quy định rằng nếu chính quyền của một khu vực vi phạm các điều khoản của hiến pháp hoặc “hành động theo hướng đe dọa nghiêm trọng lợi ích chung của Tây Ban Nha”, Madrid có thể “thực hiện các biện pháp cần thiết để buộc khu vực đó phải tuân thủ hoặc để bảo vệ lợi ích chung”.

Catalonia xứ Catalan ly khai
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: Reuters

Điều 155 cho phép nhà nước - trong trường hợp này là chính phủ trung ương tại Madrid - “kiểm soát các tổ chức chính trị và hành chính của khu vực tự trị”, Teresa Freixes, từ Đại học tự trị Barcelona nhận định.

Theo chuyên gia Javier Perez Royo từ Đại học Seville, các biện pháp có thể bao gồm “ngừng chính quyền khu vực, đặt lực lượng cảnh sát của Catalonia dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ và thậm chí đóng cửa quốc hội vùng”.

Thủ tướng Rajoy phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia sau cuộc họp nội các: "Dù Catalonia đã gây ra bất ổn trong thời gian gần đây, chính quyền trung ương TBN nhất trí vẫn sẽ yêu cầu Catalonia trả lời liệu xứ này đã tuyên bố độc lập hay chưa."

Sau đó, ông cho biết Catalonia có thời gian tới thứ Hai (16/10) để trả lời. Nếu ông Puigdemont xác nhận Catalonia đã độc lập, ông sẽ có thêm 3 ngày để "chấn chỉnh" lại phát ngôn của mình, tức thứ Năm (19/10). Sau thời điểm này, điều 155 Hiến pháp sẽ được thi hành.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN