Thứ tư, 24/04/2024 | 11:37
RSS

Dùng máy xay sinh tố chế pháo và gây nổ, 1 thiếu niên bị văng nhiều mảnh kim loại vào ngực

Thứ ba, 10/01/2023, 06:08 (GMT+7)

Cận Tết, nhiều vụ tai nạn cho tự chế pháo, gây phát nổ khiến nhiều thanh thiếu niên bị thương, thậm chí tử vong.

Tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho em T.B, 14 tuổi, trú tại Bắc Giang bị nhiều mảnh kim loại văng vào ngực trái trong khi nạn nhân làm pháo tự chế tại nhà và bị phát nổ.

Khai thác tiền sử được biết, em T.B mua thuốc pháo trên mạng, sau đó tự chế pháo ở nhà bằng máy xay sinh tố thì bất ngờ pháo phát nổ.


Hình ảnh phim chụp nhiều mảnh kim loại văng vào ngực bệnh nhi 14 tuổi ở Bắc Giang. Ảnh BVCC

Người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh sơ cứu sau đó T.B được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Chụp phim X-quang ngực thấy có 2 dị vật kim loại trong lồng ngực nằm sau xương ức bên trái, nghi ngờ tổn thương tim. 

PGS-TS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân đã được mổ cấp cứu kịp thời lấy dị vật, khâu vết thương thành thất phải. 

Hiện tại bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực. 

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cũng đã nhiều lần cảnh báo về việc gia tăng các vụ tai nạn do pháo nổ khi thanh thiếu niên tự chế pháo vào những ngày cận Tết. Nhiều thanh thiếu niên đã bị tàn tật vĩnh viễn sau vụ tai nạn như mù mắt, mất chi... 


Cứ gần Tết là các vụ tai nạn do pháo nổ khi thanh thiếu niên tự chế pháo gây ra (Bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Trước đó, ngày 25/12/2022, tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã có 5 trường hợp học sinh thương vong khi đặt mua các hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo để bán. 

Các em hẹn nhau tại một nhà người dân ở địa phương khi họ đi vắng để cùng chế tạo pháo, với nguyên liệu là các hóa chất, vật liệu mua được… Tuy nhiên trong chế tạo pháo đã gây ra nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 em bị thương nặng.

Ngoài ra, mới đây, lực lượng Công an xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 6 thanh thiếu niên (13 đến 15 tuổi) đều trú tại xã Đắk Nia có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo trái phép, thu giữ 45 quả pháo cùng một số vật dụng liên quan. 

Tại cơ quan công an, 6 thanh thiếu niên này khai nhận, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng Internet, đã góp tiền đặt mua hàng online các vật dụng liên quan. Sau đó, cùng nhau chế tạo được 45 quả pháo tự chế để sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.


Quá trình tự chế pháo và sử dụng pháo tự chế có nguy cơ cao gây ra tai nạn cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng (Số pháo do nhóm thanh thiếu niên ở xã Đắk Nia tự chế tạo để sử dụng trong dịp Tết bị lực lượng công an vừa phát hiện, thu giữ)

Từ cuối tháng 12/2022, khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi. 

Bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp, khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật (Viện Chấn thương chỉnh hình) cho biết, pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo. 

Bác sĩ Hiệp cũng cảnh báo, để hạn chế tai nạn đáng tiếc do pháo gây ra, gia đình, nhà trường cần giáo dục phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em.

"Mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ, bác sĩ Hiệp khuyến cáo. 

Diệu Linh
Theo Dân Việt