Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:41
RSS

Đừng bỏ qua dấu hiệu chán ăn, đau tức bụng

Thứ ba, 03/12/2019, 07:49 (GMT+7)

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người thường bỏ qua các dấu hiệu ban đầu như đau tức bụng, chán ăn... và nghĩ đó là bệnh tiêu hóa thông thường.

Gần 15.000 ca ung thư trực tràng mỗi năm

Tại Hội thảo ung thư Việt - Pháp lần thứ 3 được Bệnh viện K T.Ư chuyên đề Ung thư đại trực tràng và các khối u hệ thần kinh T.Ư (tổ chức từ ngày 26 - 28/11), PGS-TS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, 115 000 ca bệnh nhân tử vong. Nếu tính riêng ung thư đại trực tràng thì có 14.733 mắc mới (chiếm gần 9% các ca ung thư mắc mới) và 9.286 ca tử vong. Tại Bệnh viện K T.Ư, mỗi tháng chẩn đoán mới khoảng 200 ca, mỗi năm chẩn đoán mới là 2.400 ca ung thư đại trực tràng.

Đừng bỏ qua dấu hiệu chán ăn, đau tức bụng
Các máy móc hiện đại giúp các bác sĩ chẩn đoán sớm được các loại ung thư. (Ản chụp tại Bệnh viện K). Ảnh: Thái Hà

Trước đó, Bệnh viện K T.Ư cũng đã điều trị thành công cho ông Udagawa KemlChi (62 tuổi, quốc tịch Nhật Bản). Theo lời bệnh nhân, ông đã bị đau tức bụng dưới một thời gian dài, đau rát hậu môn, khó khăn trong đại tiện. Tuy nhiên, ông KemlChi vẫn nghĩ đó là biểu hiện của bệnh lý thông thường đường tiêu hóa nên không đi kiểm tra. Cho đến khi thấy hiện tượng đi ngoài ra máu gia đình mới đưa bệnh nhân tới khám.

Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, nội soi, bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán ông bị ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển. Ngay sau đó phác đồ đa mô thức chuẩn trong điều trị ung thư đại tràng đã được đưa ra cho bệnh nhân. Ông KemlChi được chỉ định điều trị hóa xạ trị tiền phẫu, sau đó sẽ phẫu thuật trực tràng.

Ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác như: Chán ăn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn, táo bón, đi ngoài ra máu, cảm giác mệt mỏi, cân nặng sụt giảm... Do vậy ngay khi thấy những biểu hiện bất thường trên, người bệnh cần đến thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Bệnh gia tăng do lối sống

TS-BS Nguyễn Tiến Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện K, ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư gây tử vong phổ biến thứ ba và được chẩn đoán phổ biến thứ tư trên thế giới Gần 2 triệu trường hợp mới và khoảng 1 triệu ca tử vong được thống kê vào năm 2018. Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng đang gia tăng đều đặn trên toàn thế giới hàng năm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đang dần thích nghi với cách sống của phương Tây. Đáng lưu ý, các bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch cũng được xem là yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư đại trực tràng, ung thư này ở nam giới cao hơn nữ giới. “Béo phì, lối sống ít vận động, tiêu thụ thịt đỏ, rượu và thuốc lá được coi là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại trực tràng” - TS Quang chia sẻ.

Theo TS Quang, những tiến bộ gần đây trong sàng lọc phát hiện sớm và các lựa chọn điều trị đã làm giảm tỷ lệ tử vong ung thư đại trực tràng ở các quốc gia phát triển, dù tỷ lệ dân số mắc ngày càng tăng. Hiện nay, tại Bệnh viện K đã áp dụng các kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng nên có thể phát hiện sớm và nâng cao tỷ lệ điều trị thành công.

TS Quang nhấn mạnh, lối sống lành mạnh sẽ làm giảm nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Cụ thể như hoạt động thể lực thường xuyên làm giảm 27% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người ít hoạt động. Chế độ dinh dưỡng, trong đó, chế độ ăn với mức từ 800g rau, củ và trái cây hằng ngày làm giảm 0,74 lần nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người tiêu thụ ít hơn 200g/ngày. Ngoài ra, một số yếu tố khác như; vitamin B6, canxi, vitamin D3, magie cũng là yếu tố được cho là có lợi cho ngăn ngừa ung thư này.

"Để phòng ngừa ung thư đại tràng, nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A; duy trì luyện tập thể dục thường xuyên. Những nguời có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đuờng tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu nên đi khám, tầm soát ung thư đại trực tràng".

 TS Nguyễn Tiến Quang

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt