Thứ bảy, 04/01/2025 | 17:10
RSS

Đua nhau mở ngành 'hot' - lợi bất cập hại

Thứ bảy, 04/01/2025, 17:09 (GMT+7)

Tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học dự kiến mở thêm ngành mới...

Ảnh minh họa INT.

Có thể kể tới Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Gia Định… Trường ít thì mở từ 1 đến 2 ngành, nhiều thì từ 6 đến 8 ngành. Trước đó, thống kê của Bộ GD&ĐT từ năm 2019 đến tháng 8/2023, các trường mở mới gần 1.200 ngành.

Mở ngành mới là xu hướng nổi bật trong các mùa tuyển sinh gần đây, đặc biệt rộ sau khi Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục Đại học năm 2018 có hiệu lực, cho phép các cơ sở đào tạo được tự chủ mở ngành.

Đây là xu hướng tất yếu để các trường trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời là giải pháp quan trọng để thu hút sinh viên, tăng thêm nguồn thu từ học phí. Thông qua mở ngành, nhiều trường nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng đào tạo, người học theo đó cũng có nhiều lựa chọn hơn.

 

Tuy vậy, bên cạnh những trường nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị tốt các điều kiện mở ngành, tổ chức đào tạo hiệu quả, vẫn có không ít trường mở ngành theo thị hiếu, phong trào. Có trường tìm mọi cách thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành để đủ điều kiện mở ngành, nhưng sau khi mở thì không duy trì được điều kiện này. Có trường mở các ngành học trái với truyền thống đào tạo trước đó, như trường kinh tế lấn sân sang đào tạo lĩnh vực kỹ thuật và ngược lại, gây ra những lo lắng về chất lượng.

Tháng 4/2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố kết luận thanh tra 6 trường đại học thì có 3 trường buộc phải dừng tuyển sinh cả chục ngành. Nguyên nhân do trước khi mở không được khảo sát đầy đủ về nhu cầu xã hội nên không tuyển sinh được hoặc tuyển được rất ít, ngay cả khi mới mở. Chẳng hạn như ngành Quản lý công của Trường Đại học Thủ Dầu Một mở ngành năm 2022 đã phải dừng tuyển sinh ngay năm sau.

Ngoài ra, nhiều trường chưa đảm bảo điều kiện mở ngành, chủ yếu liên quan đến giảng viên. Như Trường Đại học Hoa Sen có 12 ngành mà giảng viên chủ trì, giảng dạy nhưng không có bằng cấp phù hợp. Ở Trường Đại học Thủ Dầu Một và quốc tế Hồng Bàng, mỗi trường có 7 ngành cũng gặp vấn đề tương tự.

Việc chạy đua mở ngành theo phong trào dẫn đến nhiều hệ quả xấu. Điều kiện bảo đảm chất lượng không ổn kéo theo chất lượng đào tạo có vấn đề, một số trường không xây dựng được thương hiệu để có thể cạnh tranh, nên không thu hút đủ sinh viên theo học. Có không ít trường mở ngành mới vội vàng, rồi nhanh chóng đóng ngành, sinh viên buộc phải chuyển ngành khác giữa chừng, sự học thêm gian nan.

Đua nhau mở một số ngành “hot” còn có thể gây nên “khủng hoảng” dư thừa trong việc cung cấp các chương trình đào tạo; hay lãng phí nguồn lực, tăng cạnh tranh việc làm trong tương lai. Nguy cơ phá vỡ mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cũng có thể đến từ việc mở ngành tràn lan, chồng chéo. Một số trường “bỏ bê” hoặc đóng cửa các ngành khoa học cơ bản, thậm chí ngành đặc thù của mình để chạy theo ngành “hot”, ảnh hưởng đến an ninh nhân lực quốc gia.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua dữ liệu khoa học, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy vậy, trong bối cảnh tự chủ đại học rộng mở, quan trọng vẫn là nhận thức, tầm nhìn và cách hành xử của các trường đối với việc tuyển sinh và đào tạo.

Nếu không “biết mình biết ta”, chỉ chăm chăm vào thị hiếu, mở ngành tràn lan để thu hút người học, thì cái lợi chỉ là nhất thời, về lâu dài “lợi bất cập hại”. Không chỉ không đạt được hiệu quả tuyển sinh như mong đợi, chạy đua mở ngành theo phong trào các trường còn có nguy cơ đánh mất uy tín vì vấn đề trách nhiệm xã hội, khó có thể phát triển bền vững. Gia Khánh


Theo Giáo dục & Thời đại