Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:49
RSS

Dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi trong tháng 4: Tại sao trẻ bệnh nhẹ vẫn nên tiêm?

Thứ hai, 28/03/2022, 11:08 (GMT+7)

Theo Bộ Y tế, dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi trong tháng 4, ngay sau khi có vaccine do Australia viện trợ được chuyển đến Việt Nam.

Sự kiện:
Covid-19

9,7 triệu liều vaccine Covid-19 về vào đầu tháng 4

Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi do Australia viện trợ.

Theo Bộ Y tế, Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, chịu trách nhiệm vận chuyển và chi trả chi phí vận chuyển về Việt Nam cụ thể:

Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022. Số vaccine này sẽ được chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4.


Khoảng 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi sẽ cần tiêm vaccine Covid-19 (Ảnh minh họa dail yeader)

Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.

Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine Covid-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022.

Tiêm vaccine Covid-19 làm giảm nguy cơ bệnh nặng

Để chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.

Về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trẻ sẽ được tiêm vaccine Covid-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua.

Những trẻ đi học thì các cháu được tiêm tại trường, những trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế. Đối với những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính thì sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương để lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh từ 5 - 11 tuổi. Theo đó, tỷ lệ "đồng tình cao" khoảng 78%. Tỷ lệ "đồng tình" khoảng 18%, tổng cộng đạt 95 - 96%.

Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, trẻ em mắc Covid-19 có phản ứng nhẹ, không cần tiêm vaccine.

Về điều này, GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lý giải, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trẻ nhiễm Covid-19 thì ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, dù mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì cũng có các biểu hiện từ không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, nặng và tử vong.

Hơn nữa, khi mắc Covid-19, một số em có các triệu chứng kéo dài, có tình trạng sau Covid-19, một số em có di chứng cấp tính của Covid-19, có trường hợp viêm đa hệ nghiêm trọng. Dù rằng các ca nặng hiếm khi xảy ra ở trẻ em hơn so với người lớn nhưng nó vẫn là mối đe dọa với sức khỏe của trẻ.


Tiêm vaccine Covid-19 làm giảm nguy cơ mắc và nguy cơ bệnh nặng nếu mắc bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa news-medical.net

Còn khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giảm sự lây nhiễm. Đặc biệt hiện qua theo dõi, với biến chủng Omicron thì lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em, nhất là các em nhỏ chưa được tiêm chủng.

"Như vậy, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng", GS Lân nhận định.

Về các phản ứng phụ có thể xảy ra khi trẻ tiêm vaccine Covid-19, TS Phạm Quang Thái Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết: "Theo ghi nhận thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng.

Thậm chí các phản ứng này còn thấp hơn nhiều so với các vaccine thông thường mà chúng ta đang dùng trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng (như cúm, sởi – quai bị - rublella)".

Trong tháng 2/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vaccine Pfizer với số lượng 21,9 triệu liều, tiêm cho khoảng 11,8 triệu trẻ em (dự kiến 98% trẻ lứa tuổi này sẽ được tiêm, nhân với 2 mũi cơ bản).

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã làm việc với CDC Mỹ về việc nhận nguồn viện trợ vaccine cho trẻ em, nhằm giảm thiểu nguồn chi từ ngân sách và Quỹ vaccine.

Theo đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh nguồn vaccine Covid-19 hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt