Thứ tư, 24/04/2024 | 00:39
RSS

Dự án lấn biển của CEO Group ở Quảng Ninh: Đi ngược Nghị quyết và “lách” ĐTM?

Thứ ba, 17/09/2019, 16:00 (GMT+7)

Từ năm 2012, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết về việc hạn chế lấn biển, lấp núi nhưng Sonasea Vân Đồn của CEO lại là một trong những dự án đi ngược Nghị quyết đó. Thậm chí chủ đầu từ còn chia nhỏ dự án để “lách” ĐMT của Bộ TNMT.

Thời gian qua, người dân tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tỏ ra rất bức xúc khi chủ đầu tư của Dự án du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City của công ty CP đầu tư phát triển du lịch Vân Đồn- một thành viên của tập đoàn CEO Group triển khai lấn biển, hút cát gây mất cảnh quan tự nhiên của vịnh Bái Tử Long.

Dự án lấn biển của CEO Group ở Quảng Ninh: Đi ngược Nghị quyết và 'lách' ĐTM?

Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City.

Tìm hiểu của PV được biết, trước đó, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã ký ban hành Quyết định 1138/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có ranh giới bao trùm ranh giới quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Bái Tử Long đã được UBND tỉnh này phê duyệt trực tiếp tại bản vẽ quy hoạch chi tiết dự án ngày 7/4/2004 và ngày 1/2/2005. 

Dự án khu du lịch sinh thái Bái Tử Long được tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2007 và do Công ty TNHH công nghệ Việt Mỹ triển khai trên diện tích 100ha. Nhưng sau 8 năm triển khai ì ạch, Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ đã chuyển nhượng đất dự án và tài sản gắn liền với đất cho Công ty Bảo Nguyên. Sau đó, Công ty Bảo Nguyên đã xin chấm dứt đầu tư và chuyển nhượng lại toàn bộ dự án này cho Tập đoàn CEO đầu tư.

Sau khi "thâu tóm" thành công quỹ đất biển 100ha, Tập đoàn CEO đã tiếp tục xin tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm dự án lên tới 358,35ha với định hướng phát triển khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở.

Quyết định 1138/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 11/4/2018 là bước tiếp theo phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City – được mở rộng quy mô gấp 3,5 lần so với diện tích đất nghiên cứu của chủ dự án cũ đã bị chậm tiến độ chục năm qua.

Theo quy định, UBND tỉnh Quảng Ninh phải công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City trên cổng thông tin điện tử của tỉnh này để nhà đầu tư và người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án được biết.

Tuy nhiên, hiện tại, Quyết định 1138/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này đăng trên cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đã biến mất, không thể tìm thấy?

Tương tự, Quyết định số 3026/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 8/8/2018 về việc cho thuê đất tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 cũng không thể tìm thấy trên hệ thống dữ liệu công bố thông tin công khai của tỉnh Quảng Ninh.

Những chiếc tàu công suất lớn ngày đêm hút cát từ trong lòng dự án bơm ra lấn biển.

Được biết, theo phê duyệt, dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 1 có diện tích đất ở liền kề (shophouse) là 25.560m2; đất cây xanh công viên 13.672m2; đất thuê để xây khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng 195.442m2.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý giao cho Tập đoàn CEO một phần đất thuê để xây biệt thự không hình thành đơn vị ở là 285.541m2; đất thuê là hạ tầng giao thông hơn 34.000m2… 
Việc cho doanh nghiệp thuê đất theo hình thức là “đất ở không hình thành đơn vị ở” của Quảng Ninh cũng là một “sáng tạo” như ở tỉnh Khánh Hoà đã cấp đất cho nhiều dự án bất động sản, nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền “tuýt còi” do không nằm trong Luật Đất đai.

Trả lời báo chí về vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án này, ngày 9/8/2019, Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh đã gửi công văn 4855 giải thích rằng: Tháng 8/2018 tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn – Phân khu I có diện tích là 67 ha (theo Quyết định 3028/QĐ-UBND) với phần đất mặt nước là 9,67 ha. Báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) của dự án này được chủ đầu tư lập trên cơ sở pháp lý của Quyết định 3028/QĐ-UBND và văn bản 1081/UBND ngày 25/6/2018 của UBND huyện Vân Đồn.

Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Dự án có diện tích đất mặt nước 9,67 ha là dưới 20 ha nên đối chiếu theo quy định tại Mục 4, Phụ lục III kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường, thì báo cáo ĐTM của dự án Sonasea Vân Đồn – Phân khu I là thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Về thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM, Phụ lục III kèm theo Nghị định 18, tại Mục 4 đã quy định: “Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên; dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên; dự án có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên” là thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN-MT.

Ngoài ra, tại mục 7, phụ lục III: “Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu đô thị có diện tích từ 200 ha trở lên; dự án xây dựng cảng, khu neo đậu cho tàu có trọng tải từ 50.000 DWT; dự án xây dựng cơ sở luyện gang, thép công suất từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên” và Mục 10: “Dự án có từ một hạng mục trở lên trong số các dự án thứ tự từ 1 đến 9 của Phụ lục này” cũng là các trường hợp thuộc Bộ TNMT phê duyệt ĐTM.

Hoạt động san lấp mặt bằng, hút cát lấn biển của chủ đầu tư CEO Group tại Vân Đồn.

Trao đổi với chúng tôi, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: Nguyên tắc, không được chia nhỏ dự án theo từng phân khu để xin đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và một dự án có diện tích lớn đến 350 ha thì trách nhiệm, thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM phải là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thế nhưng, không hiểu vì sao, UBND tỉnh Quảng Ninh lại phê duyệt ĐTM cho CEO group trong khi thẩm quyền không phải của mình? Và việc UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ĐTM cũng không phải là toàn bộ dự án mà chỉ là phân khu với 67ha. 

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng nếu như tập đoàn CEO Group triển khai việc chia nhỏ dự án để xin cấp ĐTM là đi ngược lại so với nguyên tắc. Và việc UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý với việc đó là việc làm trái pháp luật

Một điều nữa khiến người dân ở Vân Đồn nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng vô cùng bức xúc là mặc dù từ Nghị quyết 64 /NQ-HĐND ngày 11/7/2012 của HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nói rất rõ về “chủ trương hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển, không san đồi lấp biển. 

Đối với các dự án đã và đang thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch tổng thể, thiết kế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật pháp” nhưng không hiểu sao, một dự án lấp biển, san núi lớn như CEO vẫn được câp phép. Và thậm chí, việc phê duyệt ĐTM của dự án này còn được UBND tỉnh Quảng Ninh “nhón tay” để cấp ĐTM trong khi thẩm quyền lại của Bộ TNMT?

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN