Thứ năm, 18/04/2024 | 12:39
RSS

Sau trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang chuẩn bị có thêm BOT đường thủy

Thứ sáu, 13/10/2017, 13:53 (GMT+7)

Dự án BOT đường thủy nội địa đầu tiên để nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An có mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

dự án BOT đường thủy nội địa đầu tiên có vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ
Dự án kết nối giao thông thủy giữa các tỉnh ĐBSCL và TP HCM. Ảnh báo Đầu tư

Dự án BOT đường thủy nội địa đầu tiên có mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng

Theo đề xuất của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam dự án sẽ nạo vét mở rộng phía bờ Nam đoạn Chợ Gạo từ Km12+000 - Km21+700; kè kết cấu thảm đá dày 30cm bờ Nam kênh Chợ Gạo đoạn Km12+000 - Km21+300; kè đứng phía bờ Nam đoạn thị trấn chợ Gạo, phạm vi từ Km21+300 - Km21+900, dài khoảng 600m, kết cấu cừ ván BTCL DUWL SW940 đồng thời xây dựng mới khoảng 23 cống thoát nước và trạm thu phí.

Tổng mức đầu tư (đã bao gồm lãi vay) của Dự án là 1.388 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 15%, vốn vay 85%, thời gian thu phí hoàn vốn: khoảng 17 năm 10 tháng. 

Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho thấy dự án khả thi về mặt tài chính khi thực hiện đầu tư giai đoạn 2 theo hình thức BOT, với điều kiện nhà đầu tư được thu phí sử dụng đường thủy nội địa trên toàn bộ tuyến kênh với chiều dài 28,6 km để hoàn vốn đầu tư.

Theo đề xuất, nhà đầu tư chỉ thu phí với các tàu thương mại vận tải hàng hóa có trong tải toàn phần lớn hơn 100 tấn; đối với phương tiện chuyên dùng quy đổi 1 mã lực tương đương 1 tấn trọng tải; đối với tàu chở khách quy đổi 1 ghế hành khách tương đương 1 tấn trọng tải, 0 giường nằm tương đương 06 ghế hành khách.

Mức thu phí là 50 đồng/tấn/km, tương đương 1.430 đồng/tấn (tính trên chiều dài kênh là 28,6 km); tăng phí 3 năm một lần, mỗi lần tăng 3%.

Dự kiến, Dự án thu phí thủ công trực tiếp tại các trạm thu phí, kết hợp thu phí qua đăng kiểm, hệ thống cảng vụ và công nghệ không dừng công nghệ ETC. Nhà đầu tư có thể đề xuất các phương án thu phí khác mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Kênh Chợ Gạo là một con kênh đào tại tỉnh Tiền Giang, nối liền sông Tiền Giang với sông Vàm Cỏ. Đoạn kênh là tuyến đường giao thông thuỷ huyết mạch của Đồng bằng sông Cửu Long. Kênh là một đốt sống quan trọng bậc nhất của hệ thống kênh nối liền TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây.

Dự án đầu tư xây dựng Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, có điểm đầu tại Km0 (ngã ba sông Vàm cỏ), điểm cuối tại Km28+687 (ngã ba sông Tiền). Dự án có chiều dài 28,687 km, với tổng mức đầu tư là 2.263,7 tỷ đồng; theo đó, phân kì thực hiện đầu tư dự án theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2013 -2015) với mức đầu tư là 787 tỷ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2017) là 1.477.

Dự án đóng vai trò quan trọng với mạng lưới giao thông  tại ĐBSCL

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã công bố danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2). Theo đó, Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng và tăng độ sâu luồng chạy tàu tuyến kênh Chợ Gạo, xây dựng công trình chỉnh trị chống xói lở bờ và một số công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh sống dọc theo kênh nhằm đảm bảo an toàn giao thông thủy, nâng cao năng lực thông qua của kênh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bằng Nam Bộ phù hợp với quy hoạch.

Dự án sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt có tiềm năng lớn nhất trở thành tuyến vận tải đa phương thức và logistics trong khu vực đồng bằng sông Mê Kông.

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN