Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:27
RSS

ĐT Việt Nam văng khỏi top 100 FIFA: Đừng quá quan tâm tới thứ hạng!

Chủ nhật, 18/02/2024, 07:36 (GMT+7)

Vị trí trên BXH FIFA chỉ là kết quả tạm thời, nó có thể được cải thiện sau vài trận thắng và đôi khi không phản ánh đúng thực lực của 1 nền bóng đá. Điều chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là làm thế nào để nâng cao mặt bằng trình độ của nền bóng đá, qua đó nâng cao sức mạnh của ĐTQG.

ĐT Việt Nam văng khỏi top 100 FIFA có thực sự đáng lo ngại?

Sau kết quả thi đấu kém của ĐT Việt Nam, cả ở những trận giao hữu lẫn các trận đấu chính thức thuộc vòng loại thứ 2 Wolrd Cup 2026 khu vực châu Á và tại Asian Cup 2024, bóng đá Việt Nam sau 5 năm trong top 100, đã bị tụt xuống hạng 105 trên BXH FIFA. Hệ quả của điều này là rất rõ ràng. Vị trí xếp hạng thấp hơn sẽ khiến đội bóng bị xếp vào nhóm hạt giống thấp và gây ra bất lợi trong việc bốc thăm chia bảng khi tham gia các giải đấu. Chúng ta có nguy cơ phải đối đầu với nhiều đối thủ mạnh hơn ngay từ vòng bảng.

Thực ra, với tư cách là một đội bóng yếu ở châu lục, chúng ta đã quen với việc phải đối đầu với những đội bóng mạnh hơn, nhất là ở các giải đấu lớn, như vòng loại World Cup hay Asian Cup. Kể từ khi U23 Việt Nam thời HLV Park Hang-seo vượt qua nhiều đối thủ mạnh để giành ngôi á quân U23 châu Á năm 2018, bóng đá Việt Nam đã tự tin hơn rất nhiều khi phải đối đầu với những đội bóng mạnh hơn. Chưa kể, qua giải Asian Cup 2024 vừa qua, ta thấy các đội bóng có xếp hạng ngoài Top 100 trên BXH FIFA đã có những tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ở Đông Nam Á, như Thái Lan, Indonesia hay kể cả Malaysia. Họ tỏ ra không quá thua kém khi phải đối đầu với các đối thủ vốn được xếp hạng hạt giống cao hơn.

Nhưng có một yếu tố làm người ta nhắc đến nhiều hơn sự thụt lùi về thứ hạng này, đó chính là việc Thái Lan vượt lên Việt Nam trên bảng xếp hạng, tuy họ cũng vẫn chưa lọt top 100. Hiện tại, Thái Lan có thứ hạng 101, và trở thành số 1 Đông Nam Á.

Có thể điều này là khó chấp nhận với nhiều người, nhưng việc Thái Lan trở về vị trí số 1 Đông Nam Á là phản ánh đúng thực lực và trật tự bóng đá khu vực. Kể cả trong thời kỳ huy hoàng nhất, với thế hệ cầu thủ vàng, dưới sự dẫn dắt của HLV tài năng Park Hang-seo, ĐT Việt Nam vẫn không thắng được ĐT Thái Lan. BXH FIFA dựa trên kết quả thi đấu của ĐTQG, nhưng như chúng ta đã biết, có nhiều yếu tố không thuộc về thực lực của nền bóng đá tác động tới kết quả thi đấu của ĐTQG, tới vị trí trên bảng xếp hạng của ĐTQG đó.

Vậy thực lực nền bóng đá Thái Lan hơn Việt Nam thể hiện ở những điểm nào ngoài kết quả đối đầu của ĐTQG?

Đầu tiên, đó là giá trị Giải Vô địch Quốc gia. Theo kết quả khảo sát được cập nhật đến ngày 30/9/2023. Giá trị này được ước lượng dựa trên sức hút của giải đấu, độ hấp dẫn, giá trị của các CLB, các cầu thủ có trong giải…

Theo đó, giải Thai-League của Thái Lan có tổng giá trị được ước tính 74,3 triệu euro (hơn 1.911 tỷ đồng), tăng 2,82 triệu euro (tăng hơn 72,5 tỷ đồng) so với mùa giải trước. Gấp đôi Giải V.League của Việt Nam - hiện chỉ có giá trị thương hiệu 38,05 triệu euro (hơn 978,5 tỷ đồng).

Tiếp theo là số cầu thủ xuất ngoại thi đấu. Trong khi số cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu đếm trên đầu ngón tay. Chưa có ai thành công, kiếm được vị trí chính thức, thường xuyên được thi đấu để học hỏi được kinh nghiệm từ các giải đấu lớn mang về phục vụ ĐTQG. Thì Thái Lan có rất nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Không có con số thống kê cụ thể, chỉ cần con số có tới 9 cầu thủ Thái Lan thi đấu ở nước ngoài về tham dự Asian Cup 2024 cũng nói lên rất nhiều điều.

Yếu tốt cơ bản nào ảnh hưởng tới việc phát triển thực lực của nền bóng đá Việt Nam?

Theo thống kê, kể cả tham gia Cúp Quốc gia, 1 đội bóng ở V.League và Hạng nhất Quốc gia, mỗi năm ít nhất sẽ được đá 19 trận chính thức. Tất nhiên là số ít đội lọt sâu vào Cúp Quốc gia sẽ được thi đấu nhiều hơn vài trận.

Trong khi ở Thái Lan, theo thống kê, với số lượng nhiều đội bóng hơn, 34 đội. Số giải đấu cũng nhiều hơn, không kể League 1, League 2, Bóng đá Thái Lan có League Cup và FA Cup Thái Lan. Số trận tối thiểu của 1 đội bóng ở League 1 được đá trong 1 năm là 32 trận, và ở League 2 là 36 trận. Như vậy, số trận đấu của cầu thủ Thái Lan nhiều hơn rất nhiều so với 1 cầu thủ Việt Nam. Đương nhiên điều này giúp cho cầu thủ Thái Lan có điều kiện phát triển chuyên môn tốt hơn các cầu thủ Việt Nam, giúp cho quá trình tuyển chọn cầu thủ giỏi cho ĐTQG dễ dàng hơn ĐT Việt Nam.

Trong 1 buổi hợp báo, HLV Troussier đặt ra yêu cầu cho các nhà quản lý bóng đá Việt Nam là tăng chất lượng của giải vô địch quốc gia. Vị HLV 67 tuổi nêu cụ thể: "Điều đầu tiên là gia tăng tính cạnh tranh, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40-50 trận đấu/năm. Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thể thi đấu liên tục trong vòng 10 tháng".

ĐT Việt Nam văng khỏi top 100 FIFA: Đừng quá quan tâm tới thứ hạng!

HLV Troussier. Ảnh: VFF.

Một yêu cầu rất cụ thể nữa của ông Troussier đó là nâng cao chất lượng sân thi đấu của V.League, vì theo ông, điều này ảnh hưởng tới chất lượng ĐTQG. Đã rất nhiều người không hiểu và mỉa mai yêu cầu này. Trung vệ Bùi Tiến Dũng, người từng cùng CLB Viettel sang Thái Lan dự vòng bảng AFC Champions League 2021 thừa nhận, về chất lượng mặt cỏ sân thi đấu, Thái Lan tốt hơn nhiều so với Việt Nam. Đương nhiên, thi đấu trên một mặt sân tốt sẽ giúp cho các cầu thủ thi đấu hưng phấn hơn, phô diễn kỹ thuật tốt hơn và hạn chế chấn thương, bảo vệ lực lượng cho các CLB cũng như ĐTQG.

ĐT Việt Nam văng khỏi top 100 FIFA: Đừng quá quan tâm tới thứ hạng!

Chất lượng tuyệt hảo của sân Buriram - Thái Lan. Ảnh: BAU.

Tóm lại, vị trí trên BXH FIFA chỉ là kết quả tạm thời, nó có thể được cải thiện sau vài trận thắng, đôi khi không phản ánh đúng thực lực của một nền bóng đá, và không cần phải quá quan tâm. Điều chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là làm thế nào để nâng cao mặt bằng trình độ của nền bóng đá, qua đó nâng cao sức mạnh của ĐTQG. Khi đó chúng ta sẽ có vị trí cao trên bảng xếp hạng.

Trần Oánh
Theo báo Dân Việt