Liên quan đến việc ông Vũ Huy Hoàng (SN 1953, đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương), ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) cùng các đồng phạm bị đề nghị truy tố về các tội danh liên quan, Bộ Công an cũng đã có công văn đề nghị xử lý đối với tài sản có liên quan đến vụ án. Lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé (quận 1, TP HCM) được xác định là tang vật của vụ án "dính" sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng.
Theo NLĐ, Bộ Công an có công văn đề nghị UBND TP HCM tạm ngừng mọi giao dịch, chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé (quận 1).
Tạm ngừng việc thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl).
196,64 tỷ đồng là số tiền Sabeco thu về sau khi bán 14.733.342 cổ phần tại CTCP Sabeco Pearl (nắm khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng) cho các cổ đông sáng lập.
Trong khi đó, theo giới kinh doanh bất động sản đã từng có giao dịch lên hơn 3 tỷ đồng/m2 cho vị trí hai mặt tiền đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ. Nếu so khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (có vị trí đắc địa bốn mặt tiền đường), giới kinh doanh ước tính mỗi mét vuông đất nơi đây sẽ có giá không dưới 1 tỷ đồng/m2.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng cho rằng để định giá khu đất này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
"Vấn đề khu đất được làm gì? Nếu đất thuần dân cư, người dân bình thường được xây dựng sẽ có giá dao động từ 700 triệu đồng/m2 trở lên. Trường hợp nó chỉ được sử dụng làm thương mại dịch vụ theo quy định nhà nước sẽ có giá thấp hơn. Do vậy, còn tùy theo mục đích nhà nước cho phép làm gì chúng ta mới có thể đưa ra con số chính xác cho khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng", ông Hiển cho hay.
Trước các vấn đề liên quan đến tình hình của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TS. Đinh Thế Hiển nhận định trong tương lai có thể sẽ được thu hồi.
Trước đó, liên quan đến lô "đất vàng" này, LĐO đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh); ông Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cùng 3 người khác tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", quy định tại điều 229 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sabeco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công.
Tuy nhiên, dựa trên tờ trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt, vào tháng 6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê.
Quyết định trên trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này. Ngoài ra, nếu Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho nhà nước thì UBND TP HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl, để rồi sau đó Sabeco thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland (1 trong 4 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl, vốn điều lệ ban đầu chiếm 23%) với giá bèo.