Thứ tư, 01/05/2024 | 00:29
RSS

Điều kiện nào để người dân được quay phim CSGT làm nhiệm vụ?

Thứ tư, 15/01/2020, 11:37 (GMT+7)

Thông tư 67/2019 quy định, người dân được giám sát Công an nhân dân (CAND) trong việc thi hành các quy định của pháp luật khi công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Điều kiện nào để người dân được quay phim CSGT làm nhiệm vụ
Từ ngày 15/1, người dân được giám sát CSGT thông qua hình thức ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Ảnh: Văn Huế - Báo giao thông

Theo thông tư 67, có 5 hình thức giám sát đối với CSGT là: Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Như vậy, so với Thông tư 54/2009, Thông tư mới bổ sung thêm hình thức giám sát phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định rõ, việc giám sát CSGT phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. Riêng với hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, thì phải ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT).

Chia sẻ với báo Người lao động, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an cho biết trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay hình, giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đây là một trong những giải pháp thể hiện sự quyết tâm của ngành công an nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, trong đó có lực lượng CSGT.

Trong quá trình xây dựng thông tư, cơ quan chức năng đã lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh cho phù hợp, điển hình là quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Tuy nhiên, việc quay hình cần bảo đảm khoảng cách để không ảnh hưởng tới lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Cũng chia sẻ với nguồn trên, một cán bộ CSGT TP Hà Nội cho biết: "Không ít cá nhân có những hành vi cố tình quay phim, chụp ảnh CSGT để thực hiện ý đồ xấu. Thậm chí, nhiều người vi phạm pháp luật về giao thông, xin không được còn mang điện thoại di động gí sát mặt rồi có những lời nói thiếu văn hóa, kích động cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ. Lực lượng CSGT đã được quán triệt là kiềm chế để tránh rơi vào ý đồ xấu của các đối tượng".

Để hạn chế việc này, lực lượng CSGT kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát các nội dung truyền tải trên mạng xã hội Ngoài ra, đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ Luật Hình sự đối với cá nhân cố tình có lời lẽ sai chuẩn mực, kích động gây hiểu nhầm cho dư luận làm xấu lực lượng CAND.

Để đảm bảo khách quan, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh, không chỉ người dân có thể quay phim ghi hình CSGT mà các tổ công tác CSGT cũng được trang bị camera giám sát đặt trên xe và gắn trên người cán bộ, chiến sỹ. Hình ảnh ghi được từ các camera này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm nên lãnh đạo đơn vị có thể biết được toàn bộ quá trình làm việc của tổ công tác.

“Việc trang bị camera sẽ giúp lãnh đạo đơn vị nắm được hoạt động của cán bộ. Nếu phát hiện có chống đối hoặc truy bắt tội phạm cần hỗ trợ lực lượng thì đơn vị sẽ điều thêm cán bộ đến ngay để hỗ trợ. Bên cạnh đó, camera cũng ngăn ngừa cán bộ có vi phạm, tiêu cực”, Cục trưởng CSGT cho hay.

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN