Chuyên gia hóa trang Thái Phạm. Ảnh: FBNV
Thái Phạm đã làm việc trong nghề được hơn 1 thập kỷ với những bộ phim nổi tiếng của VTV như Tuổi thanh xuân, Người phán xử, Mê cung....
Mới đây, trong một cuộc trò chuyện, Thái Phạm đã chia về những chi tiết từng gây tranh luận sôi nổi về tạo hình của nhân vật bà Tình trong Cuộc đời vẫn đẹp sao.
Trước đó, chi tiết chiếc nón rách của bà Tình từng được khán giả dành nhiều quan tâm. Có nhiều ý kiến cho là bà Tình mang một chiếc nón quá cũ, rách nát như thế có cần thiết không. Nhiều khán giả cho rằng, dù là người lao động nghèo, trong thực tế họ cũng không đến nỗi có một vật dụng "nát" như "thời chị Dậu" khiến hình ảnh của bà Tình trông quá thảm.
Chuyên gia trang điểm Thái Phạm cho biết, anh biết nhiều người thắc mắc về chiếc nón cũ của bà Tình trên phim. Thực ra, ban đầu đoàn làm phim cũng đã chuẩn bị cho bà Tình một chiếc nón cũ nhưng không cũ đến như vậy. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị quay phim ở khu chợ, ê-kíp bắt gặp có một bà cụ dùng chiếc nón rách này, đoàn làm phim cảm thấy đây là chất liệu rất hay. Chiếc nón cũ đó có chất đời sống hơn và hợp với số phận bà Tình hơn nên đổi chiếc nón đã chuẩn bị với bà cụ ở chợ để lấy chiếc nón này.
Chiếc nón của bà Tình từng gây ồn ào. Ảnh: VTV
Bà Tình là một trong những tạo hình tâm đắc nhất của Thái Phạm. Đây là người phụ nữ khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét phúc hậu, tình cảm. Tạo hình này cũng gây ấn tượng với chính các thành viên trong đoàn phim.
Khi quay ở ngoài, có những người thấy bà Tình đi bán bánh rán, mà không biết bà đang quay phim, còn hỏi: "Sao bà không bảo con cháu làm cho cái xe đẩy cho đỡ khổ". Hay có lần nghỉ ăn trưa, nghệ sĩ Thanh Quý vào quán cơm trước, nhân viên quán không nhận ra cô và ngăn lại: "Bà ơi, đây là cơm của đoàn làm phim đặt trước rồi".
Chính NSƯT Thanh Quý cũng rất thích tạo hình này. Nữ nghệ sĩ từng bảo: "Bà Tình phải như thế, nếu mà khác đi thì không phải bà Tình".
Ngoài ra, Thái Phạm cũng tìm những đặc điểm nổi bật khác bà Tình thường đội thúng bánh rán lên đầu nên anh sẽ phải nghiên cứu tạo hình mái tóc của bà sẽ xơ hơn. NSƯT Thanh Quý vốn tóc xoăn, anh tận dụng mái tóc xoăn đó để làm xơ và bạc hơn.
Thái Phạm chia sẻ tổ hóa trang thông thường có 3 người - một hoá trang chính và 2 người hoá trang phụ - phải làm cho đầy đủ tất cả các nhân vật.
Thời gian để hóa trang mỗi nhân vật không giống nhau. Ví dụ như Lưu, Điền mất khoảng 20-30 phút, nhưng Luyến thì lâu hơn chút. Bà Tình là lâu nhất khoảng 40 phút mỗi lần.
Với bộ phim Mê cung, Thái Phạm từng có 2 hóa trang rất kỳ công, đó là vai Fedora (Doãn Quốc Đam đóng), Việt sói (do Duy Hưng).
Thái Phạm và tác phẩm của mình cho nhân vật của Doãn Quốc Đam - Fedora bệnh hoạn. Ảnh: FBNV
Nhân vật Fedora đã gây cho Thái Phạm ấn tượng. Theo kịch bản ban đầu, nhân vật Fedora sẽ chỉ có hai tạo hình nhưng sau đó đạo diễn Khải Anh muốn Fedora mỗi lần theo dõi ai lại cải trang thành một người khác nên đã có thêm 4 tạo hình khác nữa.
Với vai của Doãn Quốc Đam, Thái Phạm đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ như: râu tóc, miếng dán và răng giả để tạo hình. Tuy nhiên, Thái Phạm không quá lạm dụng để diễn viên có thể diễn cơ mặt được tốt nhất. Mỗi buổi quay tốn mất hơn tiếng đồng hồ để làm thay đổi từ tạo hình này sang tạo hình khác.
Còn với Việt sói, Thái Phạm phải chọn lựa hình xăm cho nhân vật. Để nhân vật có tạo hình lấc cấc, ngông nghênh, bặm trợn anh phải cắt ghép rất nhiều hình xăm. Khó khăn hơn là trong lúc đặt hình xăm về thì nhân vật phải quay từ rất sớm nên một số cảnh anh đã phải vẽ tay lại cái hình xăm đó để có thể hoàn thành cảnh quay.
Tạo hình Việt sói từng khiến Thái Phạm ghét không muốn nhìn mặt khi thực hiện xong. Ảnh: FBNV
Tuy vất vả tạo hình nhưng khi tạo hình xong, Thái Phạm cho biết, trong quá trình quay anh thật sự cảm thấy ghét và thậm chí không muốn nhìn mặt Fedora và Việt sói. Anh cho biết lúc chưa hóa trang thì không sao, sau khi hóa trang xong và thay phục trang, bắt đầu bấm máy là Thái Phạm thấy ghét đến mức không muốn nhìn mặt các nhân vật. Vì vẻ ngoài bệnh hoạn của Fedora và sự lấc cấc, côn đồ của Việt sói.
Thái Phạm cũng cho biết anh từng khiến các chuyên gia trang điểm nước ngoài đã phải có suy nghĩ khác về chuyên gia hóa trang Việt Nam khi có dịp làm việc chung. Mặc dù điều kiện của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng Thái Phạm có thể tự chế ra những nguyên liệu phục vụ cho hóa trang để đạt được hiệu quả.