Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:18
RSS

Điều chỉnh phù hợp cho thí sinh và hội đồng thi tốt nghiệp THPT

Thứ hai, 16/01/2023, 06:41 (GMT+7)

Những dự kiến điều chỉnh trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT được nhiều ý kiến đánh giá là phù hợp, kịp thời.

Điều chỉnh phù hợp cho thí sinh và hội đồng thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bỏ quy định về thiết bị ghi âm, ghi hình là hợp lý

Nghiên cứu dự thảo, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho rằng: Nhiều nội dung được Bộ GD&ĐT quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Đó là việc bố trí, sử dụng, bảo quản các thiết bị thu, phát thông tin tại mỗi khu vực thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi của Hội đồng thi. Quy định chi tiết hơn về hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ dự thi của thí sinh. Hướng dẫn cụ thể việc quản lý thí sinh sau khi rời khỏi phòng thi tự luận trước thời gian hết giờ làm bài.

Dự thảo đồng thời giới hạn các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi. Quy định rõ hơn một số trường hợp nhân sự tham gia các khâu kỳ thi. Hướng dẫn điều chỉnh dữ liệu thí sinh; xác định đối tượng ưu tiên,…

“Những điều chỉnh này rất phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các Hội đồng thi tổ chức thực hiện”. Chia sẻ điều này, ông Trần Văn Hân bày tỏ tâm đắc với việc dự thảo Thông tư bỏ nội dung thí sinh được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.

Phân tích lý do cần thiết phải có điều chỉnh này, ông Trần Văn Hân cho biết, thời gian đầu các buổi thi ngắn nhưng phải triển khai và tổ chức thực hiện rất nhiều nội dung công việc. Tại các phòng thi, cán bộ coi thi không đủ thời gian (nhất là với bài thi tổ hợp, thí sinh tự do có thể đến phòng thi không đồng loạt). Do đó, không đủ khả năng xác định các thiết bị ghi âm, ghi hình của thí sinh đúng theo quy chế cho phép không.

Thực tế không nhiều thí sinh mang theo các thiết bị này, nhưng nếu có sẽ làm cán bộ coi thi, giám sát rất lúng túng. Ngay cả những người có chuyên môn thì với công nghệ phát triển như hiện nay cũng rất khó xác định chính xác chức năng của các thiết bị.

“Các thiết bị này không có tác dụng gì đối với kết quả bài thi của thí sinh. Nếu phát sinh các trường hợp đặc biệt sẽ dẫn đến vi phạm quy chế ảnh hưởng đến cán bộ coi thi, giám sát, lãnh đạo Điểm thi và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của thí sinh dự thi. Nội dung được Bộ GD&ĐT dự thảo giúp giảm áp lực cho Điểm thi trong thực hiện nhiệm vụ và giúp thí sinh tập trung hơn trong ôn tập kiến thức. Từ đó, các em dự thi nghiêm túc, hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực, lợi dụng các thiết bị để tìm cách vi phạm quy chế thi”, ông Trần Văn Hân nêu quan điểm.

Điều chỉnh phù hợp cho thí sinh và hội đồng thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Tăng cường tính công bằng, bảo mật

Quan tâm đến những điều chỉnh về đăng ký dự thi, coi thi, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) nhận thấy nội dung điều chỉnh phù hợp với thực tế. Theo đó, chủ yếu bổ sung, điều chỉnh những nội dung đã được làm rõ trong hướng dẫn coi thi ban hành sau quy chế, điều chỉnh cách diễn đạt cho rõ ràng, thay hộ khẩu bằng đăng ký thường trú.

Điểm thay đổi đáng chú ý, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng là: Nếu vì lý do bất khả kháng không thể bố trí được điện thoại cố định ở Điểm thi, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định bố trí điện thoại di động không có chức năng ghi hình, không có thẻ nhớ, được ngắt kết nối mạng internet và được niêm phong khi không sử dụng. Giao trách nhiệm rõ ràng cho Chủ tịch Hội đồng thi.

Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Điều này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho biết hoàn toàn thực hiện được tại các điểm thi, nhằm tăng cường bảo mật đề thi cho đến hết buổi thi

Với nội dung bỏ "các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác", thầy Bằng bày tỏ đồng tình. “Điều này giúp giảm bớt áp lực cho cán bộ tại Điểm thi. Hiện nay có quá nhiều chủng loại thiết bị, trong khi cán bộ coi thi không có chuyên môn về việc này nên rất khó kiểm soát”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.

Thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cũng đồng tình với các nội dung đã sửa đổi bổ sung trong dự thảo. Ví dụ, việc đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp, thay hộ khẩu bằng đăng ký thường trú là phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển của xã hội Quy định hiệu trưởng không còn là công chức trong Luật giáo dục cũng được thể hiện trong dự thảo.

Dự thảo đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể của từng người tham gia làm nhiệm vụ kỳ thi; bảo đảm công bằng cho tất cả đối tượng dự thi (dự kiến sửa đổi về điểm ưu tiên); bảo đảm tính bảo mật đề thi, bài thi (công an giám sát thiết bị ghi âm ghi hình tại khu vực thi, học sinh không mang thiết bị ghi âm, ghi hình).

Quan tâm đến sửa đổi thí sinh không mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, thầy Hoàng Minh đánh giá là phù hợp. Điều này hạn chế việc lộ lọt đề thi, bài thi. Trên thực tế, cán bộ coi thi không có khả năng phân biệt giữa các thiết bị, trong khi ngày càng có những thiết bị hiện đại trong việc sao chụp, nghe nhìn...

Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại