Theo Reuters, hai nhà lãnh đạo tiến vào khán phòng từ hai phía, nhìn thẳng vào nhau, bắt tay và chụp ảnh kỷ niệm.
"Cả hai đều nỗ lực thể hiện mối quan hệ đã cải thiện kể từ lần gặp trước", Allan Pease, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể người Úc nói. "Họ giống như phản chiếu hình ảnh lẫn nhau".
Pease giải thích điều này có nghĩa là việc bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau để khiến đối phương cảm thấy thoải mái. Hành động có ý nghĩa rằng hai người có mối quan hệ tốt với nhau.
Ở cuộc gặp đầu tiên hồi năm ngoái ở Singapore, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cố gắng thể hiện thế chủ động với những cái bắt tay theo kiểu "người đàn ông mạnh mẽ".
Ông Kim và ông Trump sẽ còn tiếp tục gặp nhau trong ngày 28/2 để tiếp tục cụ thể hóa những điều mà các thỏa thuận ở Singapore còn để ngỏ.
Ông Kim lần này trông tự tin hơn nhiều so với cuộc gặp trước, theo Reuters. "Ông Kim đi nhanh về phía ông Trump với bàn tay mở rộng. Trước đây, tại Singapore, ông Kim có vẻ ngập ngừng hơn. Giờ thì ông ấy tỏ ra thân mật hơn", Karen Leong, chuyên gia từ công ty đào tạo kỹ năng mềm Influence Solutions nói.
“Trong khi đó, ông Trump không muốn là người lấn át người khác, ông ấy muốn xây dựng mối quan hệ tốt với ông Kim”, Leong nói thêm.
Hai nhà lãnh đạo tỏ ra căng thẳng hơn khi cùng ngồi xuống nói chuyện. Chuyên gia Pease nhận thấy ông Trump ngồi với tư thế chủ động quen thuộc với hai bàn tay chụm thành hình tam giác và nhíu mày. Những ngón tay của ông Kim siết lại khi ông đặt tay lên đùi. Đây là tư thế thể hiện sự tự kiềm chế.
"Cả hai chỉ mỉm cười vào thời điểm mọi người mong đợi họ cười", Pease nói.