Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:46
RSS

Dịch Covid-19 bùng phát, cách nào giúp trẻ tự tin hòa nhập với môi trường lớp 1

Thứ tư, 04/08/2021, 11:40 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh sốt sắng tìm lớp học thêm trước khi con vào lớp 1. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên tạo áp lực cho trẻ, nên trang bị một số kỹ năng cần thiết để các con hoà nhập với môi trường học tập mới.


Ảnh minh họa/internet.

Sốt sắng cho con học thêm

Bước sang học kỳ II năm học 2020 – 2021, chị Nguyễn Thị Sinh xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) đã sốt sắng tìm lớp học thêm cho con trước khi vào lớp 1. Chị cho biết, học theo chương trình, sách giáo khoa mới, nên gia đình muốn con làm quen trước, để không bị bỡ ngỡ khi vào năm học.

“Hiện, con đã đọc thông, nhưng chữ viết thì chưa “chắc tay”. Dịch bệnh bùng phát khiến việc học thêm của con bị gián đoạn. Vợ chồng tôi phải sắp xếp thời gian để hỗ trợ con, từ việc học đến trang bị một số kỹ năng sống” – chị Sinh chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Sinh, trên các diễn đàn của các phụ huynh, nhiều người cũng sốt sắng chuyện học thêm cho con trước khi vào lớp 1. Chị Nguyễn Thị Thuý – tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Con chị học thêm được 1 tháng thì dịch covid-19 bùng phát trở lại, nên việc học thêm phải tạm dừng.

“Vợ chồng tôi đành phân công nhau hỗ trợ con. Theo đó, tôi phụ trách hướng dẫn con học chữ cái, làm quen với sách giáo khoa mới và tập tô chữ viết; còn chồng tôi phụ trách hướng dẫn con một số kỹ năng sống để con có thể tự lập và hoà đồng với các bạn khi bước vào lớp 1.

Mỗi ngày, tôi dành khoảng 45 phút để hướng dẫn học bài. Còn kỹ năng sống được chúng tôi hướng dẫn lồng ghép khi con chơi, hoặc thông qua sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi đặc biệt hướng dẫn con tự chăm sóc bản thân: như vệ sinh cá nhân, tự chuẩn bị đồ dùng học tập, quần áo… Mục đích là để con không bị “sốc” khi bước vào lớp 1” – chị Thuý chia sẻ.

Nhiều năm là giáo viên dạy lớp 1, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng, trước khi vào lớp 1 phụ huynh có thể cho con làm quen với chữ cái; tuy nhiên không lạm dụng khiến con bị áp lực. Quan trọng nhất trang bị cho con một số kỹ năng tự lập, để con tự tin bước vào môi trường học tập mới.


Cô - trò lớp 1A, Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Trang bị một số kỹ năng cho trẻ

Cô Phạm Phương Tri - giáo viên Trường tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên học sinh không thể tựu trường vào đầu tháng 8 như những năm trước. Vì vậy, để các con không bỡ ngỡ khi bước vào năm học đầu cấp, phụ huynh cần đồng hành cùng con. Khích lệ, động viên để con có tinh thần thoải mái, hứng thú trong học tập.

Đặc biệt, tránh việc gò ép, căng thẳng, gây tâm lý sợ học cho các con. Phụ huynh nên dành thời gian cùng con ôn bài hàng ngày. Có thể đan xen các trò chơi trong khi học tập để con hào hứng, vui vẻ.

Theo TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), bước vào lớp 1, từ việc được vui chơi tự do, nay sẽ phải chuyển sang học tập là chính; vì thế, phụ huynh cần trang bị một số kỹ năng cho các con như: tập trung, lắng nghe, nền nếp, thói quen, tuân thủ giờ giấc quy định, các tư thế ngồi học đúng, cách cầm bút, cách bảo vệ bản thân, tự chuẩn bị đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân…

Cũng theo TS Vũ Việt Anh, phụ huynh cần trang bị cho con 5 phẩm chất và 10 năng lực theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu phụ huynh mang đến áp lực cho con mình về học tập, sẽ làm cho trẻ phát triển lệch lạc, khó hòa nhập.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, phụ huynh nên tập trung giúp con rèn kĩ năng học và tự học. Ngay kể cả việc kèm trẻ học tại nhà, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của thầy cô để đảm bảo không xung đột về kiến thức, phương pháp... khiến trẻ ở giữa không biết nghe theo ai. Phụ huynh cần tìm hiểu về Chương trình, sách giáo khoa mới để phối hợp nhịp nhàng với thầy cô, tạo sự cộng hưởng tích cực đến học tập của trẻ.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều nước trên thế giới dạy cho trẻ biết đọc, biết viết từ lớp mầm non. Trước đây, tôi đề nghị không dạy chữ trước cho các con. Nay, tôi thấy có thể dạy chữ trước cho các cháu 5 tuổi. Tuy nhiên, giáo viên và phụ huynh cần lưu ý để các cháu không chủ quan.
Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại