Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:37
RSS

Dịch bệnh thay đổi… cả Tết

Chủ nhật, 17/01/2021, 19:06 (GMT+7)

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Nếu những năm trước, thời điểm này tại các cảng hàng không quốc tế sẽ chật cứng người khi bà con kiều bào trở về quê đoàn tụ. Nhưng năm nay, dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ.

Dịch bệnh thay đổi… cả Tết
Người Việt đón Tết cổ truyền ở Đức khi chưa có dịch.

Chờ khi dịch được kiểm soát

Tết cổ truyền luôn là thời điểm rất đông người Việt tại Mỹ háo hức trở về. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 viễn cảnh đoàn viên Tết Tân Sửu 2021 chưa bao giờ nhọc nhằn đến vậy. Những ngày này năm trước, tại các phòng vé trong khu Little Sai Gon - nơi cộng đồng người Việt tập trung sinh sống tấp nập người mua vé về quê ăn Tết. Thế nhưng, cả tháng nay khu này rơi vào cảnh cửa đóng then cài, do các chuyến bay thương mại ngừng hoạt động bởi virus Corona.

Anh Phùng Tiến Mạnh cho biết, vì có việc gấp, anh cần về Việt Nam vào dịp Tết này, nhưng không có cách nào săn được vé. Anh đã gọi đến đại lý vé máy bay Hwa Hwa Express Travel (có lịch sử 28 năm và được The Real Yellow Pages xếp hạng A+) nhưng chỉ nhận được lời nhắn bằng máy, rằng văn phòng đã đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Còn số điện thoại của đại lý vé Nam Anh Travel lại báo ‘’không sử dụng dịch vụ đã lâu’’, có nghĩa số phone đã bị khóa.

Chị Tammy Huynh - chủ tiệm Macy’s Hair & Nails tại TP San Jose chia sẻ: ‘’Hầu như năm nào gia đình tôi cũng tranh thủ thu xếp công việc để đưa các con về ăn Tết ở quê nhà. Tuy nhiên, năm nay đành lỡ hẹn vì không thể nào tìm được vé. Chưa kể, có về được Việt Nam cũng phải cách ly thêm 14 ngày, hết Tết rồi còn đâu’’. Thế nên, chị cùng gia đình quyết định ở lại Mỹ ăn Tết. Tuy nhiên, thời điểm này có ở lại thì cũng chỉ ở trong nhà và nhà nào biết nhà đấy. 

“Đêm giao thừa nhà tôi vẫn có mâm cỗ Tết, bánh chưng, nem rán, chả giò. Nhưng Tết năm nay chỉ gói ghém trong không khí gia đình. Dịch bệnh mọi hoạt động cộng đồng đều dừng lại hết – chị Huynh nói.

Anh Rachel Nguyen - chủ phòng vé Dat Viet Travel trong khu Little Sai Gon quận Cam cho biết, dịch bệnh hoành hành, cả năm 2020 chúng tôi làm ăn ế ẩm, văn phòng gần như bị đình trệ. Mấy anh em cứ an ủi nhau cố gắng chờ khi dịch được kiểm soát, đường bay mở trở lại thì công việc lại ổn định. Dự báo giá vé khứ hồi từ San Francisco về Việt Nam trung bình khoảng 800 - 1.200 USD, tùy hãng hàng không và điểm đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng.

Thế nhưng hiện tại, vẫn chỉ có các chuyến bay ‘’giải cứu’’ của Chính phủ Việt Nam dành cho du học sinh hoặc du khách bị kẹt ở Mỹ. ‘’Hơn 2 tuần trở lại đây, trung bình một ngày tôi nhận hơn 10 cuộc điện thoại của khách hỏi vé về Việt Nam. Tôi đều phải trả lời rằng, nếu việc quá gấp, đăng ký tên trên website của Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, California để chờ xếp danh sách. Còn không, hãy ở lại Mỹ. Trong khi vé  chợ đen có khi  tới 7.000 - 9.000 USD bay một chiều từ Mỹ về, mà không biết độ tin cậy tới đâu’’ - anh Rachel chia sẻ.

Thèm lắm hương vị Tết quê nhà

Bồn chồn, lo âu là tâm trạng của nhiều kiều bào lúc này. Chị Phương Thảo, một kiều bào ở Toronto, Canada chia sẻ, năm nào thời điểm này chị đã chuẩn bị hành lý để trở về ăn Tết. Năm ngoái, cũng thời điểm này, cả gia đình chị gồm 4 người đã có mặt ở Việt Nam. Sau 3 tuần ăn Tết ở quê nhà, ông xã cùng hai đứa con gái của chị đã trở về Canada trước, còn chị cứ nấn ná, không nỡ rời đi.

Thế là đùng một cái dịch Covid-19 ập xuống, trong lúc mọi người ai cũng muốn ở nhà để tránh dịch bệnh, thậm chí nhiều người trở về Việt Nam thì chị Thảo lại lặn lội khắp nơi tìm vé trở về trời Âu vì con còn quá nhỏ, chắc chắn không thể tự bảo vệ cho mình được. Về Canada lo cho chồng, cho các con, nhưng lòng chị khắc khoải không yên vì cha mẹ ở Việt Nam…

Trong khi đó, anh An Huy - hiện đang sống tại Berlin (Đức) cho biết, năm nay không về quê đón Tết nhưng bà con kiều bào vẫn gìn giữ phong tục đưa ông Táo về trời ngày 23 âm lịch. Trước Tết 1 - 2 ngày, mọi người vẫn tổ chức gói bánh chưng, bánh tét rồi cùng nhau vào bếp nấu và ăn với nhau bữa ăn sum họp như ở Việt Nam. Ngày đầu năm, mọi người vẫn đi chùa cầu bình an và lì xì cho con, cháu.

Đón Tết xa nhà, cảm xúc của anh Huy là nhớ những món ăn truyền thống. “Mặc dù ở đây cũng có những món ăn Việt nhưng sự khác biệt về gia vị và thiếu nhiều nguyên liệu nên hương vị không thể bằng ở quê nhà. Chỉ khi đi xa mình mới cảm thấy rằng mình nhớ những món ăn Việt đến nhường nào” - anh nghẹn ngào nói.

Sống xa nhà, anh Huy có nhiều cơ hội đi du lịch đây đó. Sau những ngày đi học và làm việc căng thẳng, anh thường lên kế hoạch cho những chuyến đi đến các quốc gia khác trong châu Âu. Trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau giúp anh học hỏi được nhiều thứ và có cơ hội thưởng thức các món ăn truyền thống của họ. Nhưng trên hết, mong muốn của những người con xa xứ như anh vẫn là tiết kiệm tiền để về thăm nhà, thăm quê hương.

“Năm cũ sắp qua và năm mới cũng gần đến, mình chỉ hy vọng sẽ luôn có thật nhiều sức khỏe để hoàn thành các kế hoạch và công việc ở Đức. Mong rằng Tết sang năm có thể về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình” - anh Huy chia sẻ.   

LỤC BÌNH
Theo Đại Đoàn Kết