Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:22
RSS

Đem rau 'hiện đại' lên trồng đất núi, rau đã ngon bán lại đắt hàng

Thứ bảy, 04/01/2020, 09:30 (GMT+7)

Sự xuất hiện của những loại rau này đã hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng và được bán giá cao giúp người dân có thêm thu nhập.

Đem rau "hiện đại" lên trồng đất núi, rau đã ngon bán lại đắt hàng

Những loại rau ngon như cải ngồng, cải xoắn, súp lơ xanh tưởng chừng như chỉ trồng được bãi sông, đất màu mỡ, thì bây giờ đồng bào Thái, Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã đưa lên nhúi, trồng trong vườn, những nương đất dốc. Sự xuất hiện của những loại rau này đã hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng và được bán giá cao giúp người dân có thêm thu nhập.

Biến đất dốc thành nơi trồng rau đặc sản

Cuộc sống của đồng bào Thái, Mông ở Tri Lễ trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Thức ăn hàng ngày là những loại rau dại hái trên rừng, trên rẫy, không trồng cố định. Càng ngày, các loại rau càng khan hiếm dần, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cái đói vẫn đeo bám thường xuyên.

Bà con đã nghĩ đến cách đưa các giống rau mới "hiện đại" như rau cải ngồng, cải xoắn, cải ngọt, súp lơ xanh, bắp cải về trồng trong vườn nhà, trên nương rẫy, nơi những vùng đất dốc kém màu mỡ. Giờ đây, đủ các loại rau đã phủ xanh những cánh đồng đồi dốc, trở thành đặc sản được bán với giá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho dân bản 

Những loại rau mọc hoang dại trong rừng trước đây dùng để “cứu đói”, thì bây giờ đồng bào Thái, Mông ở Tri Lễ Quế Phong, Nghệ An đã thuần hóa, đem về trồng trong vườn, biến thành “đặc sản” với giá cao được nhiều người dân nội trợ dưới xuôi săn lùng tìm mua, cải thiện thu nhập. Ảnh: Mỹ

Ông Vi Văn Đức- trưởng bản Chiềng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: “Ban đầu, dân bản trồng để ăn thôi. Sau thấy người miền xuôi, các nhà hàng lớn ở thị trấn, ở thành phố Vinh và cả Hà Nội tìm mua nên bà con trồng nhiều hơn để bán. Đặc điểm của các loại rau này là dễ thuần hóa, tự nhân giống, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít bón phân nên không tốn chi phí đầu tư. Giá bán lại cao hơn các loại rau khác, dễ tiêu thụ”. 

Muốn trồng được các loại rau này thì phải nắm được đặc tính của từng loại mới trồng thành công. Chẳng hạn như các bản có địa hình cao, mây mù bao phủ quanh năm, khí hậu lạnh hơn như: Pà Khốm, Huồi Mới, Huồi Xái, Mường Lống… thì thích hợp với cây cải xoắn, cải ngồng, súp lơ xanh…Đối với những bản thấp hơn, có nhiều chân ruộng bậc thang thì thích hợp để trồng rau bắp cải; những hộ nào có ao, vườn nhà có khe, suối chảy qua thì trồng rau cải ngọt, và các loại rau rừng như rau dớn, bò khai

Các loại rau xanh mà bà con đưa về thuần hoá thì hiện nay, rau cải ngồng được trồng phổ biến nhất. Rau được trồng trên diện tích đất ruộng, bắt đầu từ tháng 9 xuống giống, thu hoạch kéo dài. Khi rau lên cao quá gang tay người lớn thì bà con cắt đem bán. Mỗi mớ rau cải ngồng có giá từ 5.000 đồng – 10.000 đồng.

Mỗi bó rau cải ngồng được bà con dân bản bán từ 5.000 - 10.000 đồng tuỳ theo to nhỏ, đây cũng là loại rau mà các bà nội trợ cũng như các nhà hàng ở miền xuôi rất ưa thích. Ảnh: Mỹ Hà

Riêng loại rau rừng như rau nhíp (rau bẹp, rau bét) có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg thì khó trồng hơn vì cây ưa bóng râm và thích nghi với việc trồng xen trong vườn các loại cây khác. Loại rau này chứa nhiều dưỡng chất, chế biến được thành nhiều món khác nhau nên khá đắt khách, tuy nhiên chỉ có vài hộ trồng tự phát, chưa trồng thành vùng như rau thù lù.

Rau xanh trên vùng đất khó

Khí hậu lạnh, mây mù quanh năm bao phủ, địa hình cao, dốc nên đất sản xuất ít, thời tiết lại khắc nghiệt nên cuộc sống của đồng bào Mông, Thái tỉnh Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành, bà con dân tộc nơi đây đã có những sáng tạo trong việc biến bất lợi của thời tiết, đất đai thành lợi thế để phát triển kinh tế.

Đem rau hiện đại lên trồng đất núi, rau đã ngon bán lại đắt hàng2

Điển hình nhất là việc chuyển diện tích nương rẫy, đất dốc trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại rau ưa lạnh có giá trị kinh tế cao như: cải Mông, cải ngồng, súp lơ, bắp cải, xà lách, đậu các loại… Mùa trồng rau của bà con Tri Lễ kéo dài từ tháng 9 âm lịch năm này đến tháng 3-4 năm sau. Trong 7 tháng đó, trên diện tích đất vườn, đất nương rẫy, bà con trồng xen các loại rau cải cung ứng cho thị trường. Hiện toàn xã có 25ha rau các loại, phân bố đều ở 16 bản.

Mặc dù mới đưa vào trồng rau tập trung, nhưng nhờ được tập huấn KHKT nên bà con đã biết áp dụng trồng xen canh, gối vụ theo hình thức cuốn chiếu. Trên cùng một cánh đồng nhưng nhà thì trồng rau cải ngồng, hộ này trồng súp lơ, hộ khác lại trồng cải thơm, xà lách… tạo nên sự đa dạng, phong phú để dễ tiêu thụ.

Điều đặc biệt là người dân Tri Lễ tự biết lựa chọn các giống rau bản địa mà ở những vùng miền xuôi không trồng được hoặc khó trồng như: cải ngồng, cải Mông, đậu cô ve vàng. Những loại rau này do bà con tự để giống, nếu trồng ở các nơi khác, năng suất thấp và rau cũng không ngon, giòn, ngọt như ở vùng Tri Lễ do đó, các loại rau này làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, lại rất “được giá”.

Ngày nay, thay vì chỉ trồng một ít để ăn, nay dân bản đã mở rộng diện tích, nhiều bản hình thành các vùng chuyên canh trồng rau hàng hóa. Điển hình như ở bản Xan, bản Ná Ca, bản Xiềng, bản Cắm… Trung bình, mỗi sào rau mang lại nguồn thu nhập khoảng 4- 6 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động.

Đem rau hiện đại lên trồng đất núi, rau đã ngon bán lại đắt hàng

Bà con đã biến những khó khăn bất lợi thành có lợi, biết chuyển diện tích nương rẫy, đất dốc trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại rau ưa lạnh có giá trị kinh tế cao như: Cải mông, cải ngồng, súp lơ, bắp cải, xà lách, đậu các loại… Mùa trồng rau của bà con Tri Lễ kéo dài từ tháng 9 âm lịch năm này đến tháng 3-4 năm sau. Ảnh: Mỹ Hà

Đặc biệt, bà con rất ý thức trong việc chăm sóc rau theo đúng quy trình an toàn, không sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu mà chủ yếu phòng trừ theo cách thủ công là dùng thảo dược, bắt sâu gây hại…

Bà Lữ Thị Diện, một hộ trồng rau ở bản Ná Ca cho biết: “Hợp đất, hợp thời tiết nên rau tôi trồng xanh tốt lắm, rất ít sâu bệnh nên cũng không tốn công chăm sóc. Một năm 7 tháng gia đình tôi trồng rau, còn lại một vụ trồng lúa hoặc ngô. Đặc biệt là thu nhập từ cây rau cao hơn hẳn, lại không lo đầu ra. Bà con rất yên tâm sản xuất”.

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, dự tính nhu cầu rau xanh tăng cao nên thời điểm này đã có nhiều thương lái tìm đến các bản ở Tri Lễ để đặt mua.

Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều bản làng ở Tri Lễ đã phát triển mạnh việc trồng rau rừng và các loại rau ôn đới thành vùng hàng hóa, cung cấp sản lượng rau khá lớn cho thị trường trong huyện, trong tỉnh và cả các tỉnh xa”.

Theo ông Cương, sắp tới, chính quyền xã sẽ có phương án mở rộng diện tích trồng rau, chủ yếu tập trung các loại rau đặc sản cung ứng cho thị trường, đồng thời hình thành các vùng trồng rau an toàn kết nối với các cửa hàng thực phẩm sạch nhằm bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con.

"Hiện, ngoài cây chanh leo, đào mông, bò vàng địa phương thì cây rau cải đặc sản đang là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho đồng bào vùng cao Tri Lễ”, ông Cương thông tin. a

Mỹ Hà
Theo Dân Việt