Thứ bảy, 11/05/2024 | 10:26
RSS

Đề xuất chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn TP HCM

Thứ ba, 08/11/2022, 14:00 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển Việt Nam đề xuất có chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập tiếp cận được nguồn kinh phí đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Sự kiện:
TP.HCM

Thông tin trên Báo VOV cho biết, ngày 7/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Tại buổi hội thảo, Giám đốc Tổ chức Hành động Nguyễn Thị Hoài Linh vì môi trường và phát triển Việt Nam cho rằng, các hợp tác xã thu gom rác dân lập tại TP HCM đang thu gom đến 70% lượng rác sinh hoạt hàng ngày. Còn tại một số quận như Quận 5, Quận 10 hay quận Thủ Đức cũ lực lượng này thu gom đến 90% lượng rác sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo bà Linh, lực lượng này rất khó tiếp cận chính sách về an sinh xã hội hầu như chỉ nhận phí thu gom từ các hộ dân hoặc bán chính rác thải tái chế. Do đó, bà đề xuất có chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập tiếp cận được nguồn kinh phí đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

"Lực lượng rác dân lập hay lực lượng ve chai là lực lượng nghèo đô thị trong thành phố. Khi nghĩ vấn đề môi trường nên nghĩ vấn đề cộng hưởng lợi ích, vừa kinh tế, vừa xã hội và môi trường. Nên chăng cân nhắc để mở rộng nhóm đối tượng ra và có cơ chế quản lý nào đó cho hiệu quả”, bà Linh nói.

Đề xuất chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn TP HCM

Lực lượng công nhân thu gom rác trên đường Lý Chính Thắng, Quận 3. Ảnh: TTĐT Đảng bộ TP HCM

Trao đổi với Báo Tài nguyên và môi trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay, hệ thống thu gom rác dân lập (lực lượng thu gom tư nhân) do các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ/đường dây thu gom rác dân lập thực hiện thu gom khoảng 60% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư...

Theo bà Mỹ, thời gian trước, lực lượng thu gom rác dân lập (khoảng hơn 4.000 lao động) hoạt động manh mún, phân tán; phương tiện thu gom tại nguồn hầu hết khá thô sơ, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.

Tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Hội đồng nhân dân TP HCM yêu cầu, đến năm 2020, phải hoàn thành chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP HCM  cũng thông tin thêm, TP HCM luôn quan tâm và đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho lực lượng thu gom rác dân lập, như: vay vốn ưu đãi chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động.

Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách hỗ trợ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Sở TN&MT đã đề xuất bổ sung nội dung về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, tai nạn và trang bị bảo hộ lao động đối với công nhân vệ sinh môi trường khi góp ý Dự thảo 2 Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi);

Ngoài ra, Sở TN&MT đang nghiên cứu tham mưu UBND TP HCM nội dung trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Hỗ trợ rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại