Thứ ba, 23/04/2024 | 11:10
RSS

Đau vùng thượng vị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

Thứ bảy, 08/04/2023, 07:38 (GMT+7)

Đau thượng vị là tình trạng bệnh lý rất phổ biến hiện nay, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thể trạng cơ thể khác nhau. Các cơn đau có thể lan ra phía bên phải, trái hoặc sau lưng, thường xuất hiện khi đói, sau khi ăn no hoặc đau về đêm. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây nên tình trạng này và cách thức xử lý hiệu quả.

I - Thượng vị là vùng nào?

Vị trí của vùng thượng vị được xác định từ mũi xương ức xuống đến gần rốn. Khu vực này chứa các cơ quan quan trọng của ổ bụng như thực quản, dạ dày, gan, tuyến tụy, lách, tá tràng và tuyến thượng thận. Các cơn đau thượng vị thường có liên quan đến một số bệnh lý phổ biến như viêm thực quản, Viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm tuyến tụy, sỏi mật, viêm gan...

Đau thượng vị có thể xảy ra với mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất là độ tuổi 25 - 35. Tình trạng đau có thể đi kèm các dấu hiệu như ợ chua, ợ hơi, nóng rát cổ họng, buồn nôn… gây cảm giác khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

vùng thượng vị ở người

II - Các triệu chứng, biểu hiện của bệnh đau thượng vị

Các dấu hiệu nhận biết chứng đau thượng vị bao gồm:

  • Xuất hiện cơn đau ở trên khu vực từ trên rốn đến xương ức, đau từng cơn, đau lan sang các khu vực xung quanh, có thể lặp lại nhiều lần trong 1 ngày.
  • Đau nhói, đau quặn vùng trên rốn đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn, thậm chí có những cơn đau dữ dội như dao đâm.
  • Các cơn đau kéo dài, đi kèm với cảm giác nôn nao, khó chịu, chướng bụng, đầy hơi, ợ chua.
  • Đau thượng vị âm ỉ trong 15 - 20 phút, cơn đau tăng lên khi người bệnh cảm thấy đói hoặc vận động mạnh.
  • Người bệnh có cảm giác chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, vùng bụng trên rốn thấy căng tức, đầy hơi, nóng rát, đau lan dần lên ngực.
  • Thời điểm xuất hiện đau thượng vị thường vào lúc đói, sau khi ăn hoặc đau về đêm, khoảng 1 - 2 giờ sáng.

III - Nguyên nhân gây đau vùng thượng vị

1. Do trào ngược dạ dày

Axit trong dịch dạ dày khi trào ngược lên thực quản có thể tác động vào các sợi thần kinh ở bề mặt niêm mạc, gây ra phản ứng đau thắt, đè ép ở vùng thượng vị, có thể đau lan ra cánh tay và lưng. Trào ngược dạ dày xảy ra do một số bệnh lý dạ dày (viêm loét, hẹp hang môn vị, trợt niêm mạc, ung thư ..), thói quen ăn uống không hợp lý, sử dụng nhiều chất kích thích, tác dụng phụ của một số loại thuốc tây...

2. Thượng vị bị căng tức

Cảm giác căng tức khu vực trên rốn xuất hiện sau khi ăn có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng khó tiêu, kém dung nạp các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê... Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần, cơ thể suy nhược, mệt mỏi.

3. Viêm thực quản

Viêm thực quản là tình trạng tổn thương, viêm sưng lớp niêm mạc lót lòng, với các triệu chứng điển hình là khó nuốt, đau họng khi nuốt, khàn tiếng, buồn nôn, nôn mửa, họng có vị chua, chán ăn, đau tức vùng thượng vị. Bệnh lý này có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.

Trào ngược acid dạ dày, phản ứng dị ứng tự nhiên, cặn thuốc đọng ở niêm mạc, nhiễm trùng do nấm Candida Albicans có thể là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm thực quản.

4. Viêm, loét dạ dày

Viêm loét dạ dày - tá tràng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng đau thượng vị. Cơn đau có thể xảy ra khi dạ dày rỗng hoặc sau bữa ăn từ 2 - 3h, đau lúc nửa đêm về sáng và lan ra sau lưng. Bệnh nhân có cảm giác đau quặn từng cơn, căng tức thượng vị hoặc chỉ đau âm ỉ, kèm theo ợ hơi, ợ chua, ợ nóng rát vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa.

Một số tác nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng có thể kể đến như: vi khuẩn HP, thuốc giảm đau/ kháng viêm, rượu bia, thuốc lá, tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài, chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ.

viêm loét dạ dày gây đau thượng vị

5. Giun chui ống mật

Đau thượng vị là biểu hiện lâm sàng dễ nhận biết và phổ biến nhất để xác định biến chứng nghiêm trọng của tình trạng giun chui ống mật. Đối tượng thường bị nhiễm giun trong hệ thống đường mật của gan là trẻ em, do vệ sinh ăn uống không đảm bảo, không được tẩy giun định kỳ, dùng thuốc không đúng cách. Ngoài ra, một số bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng có nguy cơ mắc chứng giun chui ống mật cao nếu không ăn chín, uống sôi và tẩy giun thường xuyên.

Khi bi giun chui ống mật, người bệnh sẽ có cảm giác đau tức thượng vị về bên hạ sườn phải, đau âm ỉ hoặc đau từng cơn dữ dội, đau lan lên ngực và vai phải, kèm theo nôn mửa, sốt cao, rét run, chán ăn, sút cân, vàng da, vàng mắt, tăng kích thước gan, ấn vào thấy đau tăng lên.

6. Rối loạn vận động mật

Những cơn đau quặn điển hình ở gan, đau dữ dội phía hạ sườn phải, có thể lan lên ngực, vai phải và sau lưng, đau hơn khi ấn vào túi mật nhưng không sốt, không vàng da và niêm mạc là những triệu chứng cơ bản để chẩn đoán chứng rối loạn vận động mật. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do mất thăng bằng giữa Cholecystoltinin và anticholecy stokinin, rối loạn hoocmon sinh dục (thường ở nữ), suy nhược thần kinh, ảnh hưởng từ các ổ viêm nhiễm lân cận...

7. Mang thai

Trong giai đoạn thai kỳ, bà bầu có thể cảm thấy đau thượng vị, căng tức, khó chịu ở vùng ngực, bụng và họng, khó thở, khó nuốt, buồn nôn, ợ lớn tiếng...

Lý do gây ra tình trạng này có thể là do sự thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi hoocmon trong cơ thể, khó dung nạp lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa, gây nên chứng khó tiêu, trào ngược acid dạ dày, viêm loét dạ dày - tá tràng, và một số bệnh lý về đường tiêu hóa khác.

8. Thói quen ăn uống không tốt

Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh trong thời gian dài có thể gây nên các cơn đau âm ỉ hoặc đau cấp tính ở vùng thượng vị. Thói quen dung nạp quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nghèo dinh dưỡng, ăn quá nhanh, quá no, sử dụng nhiều rượu bia khiến hệ tiêu hóa hoạt động quá tải, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các căn bệnh cơ hội tấn công và tàn phá các cơ quan ở vùng thượng vị, gây tổn thương nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, áp lực từ cuộc sống, công việc gây tâm lý căng thẳng, thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức cũng gây nên chứng đau thượng vị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

IV - Điều trị chứng đau thượng vị như thế nào?

1. Dùng các phương pháp dân gian

Đối với những cơn đau thể nhẹ, mới xuất hiện và không liên quan đến các loại bệnh lý nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng cách chữa đau thượng vị bằng cách sử dụng các sản phẩm có thành phần từ nghệ, chè dây, dạ cẩm tím hoặc hạt bưởi. Phương pháp này có ưu điểm là khá an toàn, lành tính, phù hợp với nhiều thể trạng cơ thể khác nhau, mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng và hạn chế tần suất tái phát. Tuy nhiên, người dùng cần đặc biệt cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

chữa đau thượng vị bằng nghệ

2. Dùng thuốc đặc trị

Đối với các trường hợp đã xác định được chính xác nguyên nhân gây đau thượng vị, các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc đặc trị và liều lượng tương thích cho từng bệnh nhân. Một số loại thuốc được dùng để chữa đau thượng vị phổ biến bao gồm:

  • Thuốc kháng axit: tạo phản ứng trung hòa HCl, tăng độ pH và giảm axit trong dạ dày, có tác dụng điều trị các bệnh về dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Thuốc được uống sau bữa ăn 1 - 3h, uống trước khi ngủ để tránh tình trạng trào ngược acid về đêm.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: kích thích tăng tiết nhầy, tăng tưới máu để bảo vệ bề mặt niêm mạc dạ dày, dùng trong điều trị đau thượng vị do trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid. Thuốc không được chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai.
  • Thuốc kháng histamin H2: được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân bị trào ngược acid dạ dày, viêm loét dạ dày - tá tràng nhờ khả năng ức chế sự tiết acid ở dạ dày về đêm, cải thiện chứng đau thượng vị và các triệu chứng kèm theo.
  • Thuốc ức chế bơm proton: tương tự như histamin H2, thuốc giúp ức chế tiết acid dạ dày, thường được dùng sau bữa ăn 30 phút để hạn chế tình trạng đau thượng vị, trào ngược thức ăn, ợ hơi, nóng rát thực quản, điều trị trào ngược và viêm loét dạ dày.
  • Thuốc kháng dopamin: rút ngắn thời gian tiêu hóa thức ăn dạ dày, kích thích nhu động ruột, giúp hạn chế chứng trào ngược thức ăn và giảm cơn đau thượng vị nhanh chóng.

V - Những lưu ý cho người bị đau vùng thượng vị

Để hạn chế tối đa những cơn đau thượng vị có thể xuất hiện bất chợt, bạn ngoài việc sử dụng các phương pháp chữa trị bằng thuốc tây hoặc mẹo dân gian, bạn cần chú ý đến chế độ và cách thức ăn uống, sinh hoạt thường ngày, cụ thể là:

  • Chỉ nên dung nạp đồ ăn đã được nấu chín kỹ, ưu tiên chế biến bằng cách luộc hoặc hấp để hạn chế dầu mỡ.
  • Thái nhỏ đồ ăn, ăn chậm, nhai kỹ để cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng hấp thụ dinh dưỡng.
  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để dễ dàng kiểm soát lượng calo và tránh gây áp lực cho dạ dày.
  • Ăn thức ăn có nhiệt độ từ 50 - 60 độ C, hạn chế ăn đồ quá lạnh hoặc quá nóng để không làm tổn hại đến men răng và đường ruột.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm quá khô hoặc quá cứng để tránh tình trạng khó tiêu, tổn thương đường ruột.
  • Nên nghỉ ngơi ít nhất 30 phút sau bữa ăn, không hoạt động thể chất mạnh, đọc sách báo hoặc suy nghĩ nhiều.
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý, tập thói quen ngủ sớm, thư giãn tinh thần, không để bản thân bị căng thẳng, lo âu kéo dài.

Đau thượng vị là một triệu chứng phổ biến có thể cảnh báo những tình trạng bệnh lý bất thường mà bạn tuyệt đối không được chủ quan. Nếu những cơn đau xảy ra liên tục, đau dữ dội không ngớt khi dùng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung thì hãy ngay lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất.

thông tin tư vấn

DS. Lương Hưng
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại