Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.
Sau bao cao trào thắt - mở, bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, được thực hiện bởi 2 đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh cũng đi đến hồi kết.
Nếu như trong nguyên tác Bến không chồng, sau khi biết người mình coi như con gái để chở che, bảo vệ có con với mình, Vạn treo cổ tự tử ở bến không chồng vì sợ lời dèm pha, chỉ trích của dân làng; thì trong Thương nhớ ở ai, cái kết này đỡ bi thảm phần nào. Vạn chọn cách bỏ làng mà đi. Phát hiện Vạn chạy trốn, Hạnh vừa đuổi theo, vừa khóc gọi tên Vạn.
Khi ra đến con sông đầu làng, Hạnh thấy Hơn như hóa đá đứng đó. Còn Vạn đã chèo thuyền bỏ làng ra đi. Hạnh dắt con gái đi qua con đường hoa gạo, cô tin Vạn sẽ trở về làng Đông - nơi hai mẹ con đang chờ Vạn.
Nhiều ý kiến cho rằng kết thúc trên của phim là nhân văn, phù hợp và không quá bi đát. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng nên tôn trọng nguyên tác và chê kết thúc của phim tương đối hụt hẫng, nhiều số phận nhân vật vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Diễn viên Trà My vai Hạnh trong Thương nhớ ở ai
Trao đổi với PV Đời sống Plus, diễn viên Trà My (vai Hạnh) cho hay, mặc dù cái kết trong phim có phần nhẹ nhàng và lạc quan, nhưng nữ diễn viên vẫn thích cái kết như trong nguyên tác Bến không chồng hơn.
“Mặc dù tin tưởng cái kết nào cũng đều có những ý nghĩa nhất định nhưng tôi vẫn thích cái kết như trong tiểu thuyết hơn. Như vậy mới hợp với tâm lý của Vạn và cũng là sự thức tỉnh lương tri cho mỗi chúng ta. Hơn nữa, cái kết càng bi ai thì càng để lại ấn tượng sâu sắc cũng như những suy nghĩ day dứt trong lòng khán giả”- Diễn viên Trà My nói.
Nhiều người mong phim Thương nhớ ở ai sẽ sản xuất tiếp phần 2.
Trong khi đó, trao đổi với PV Đời sống Plus, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiết lộ, đoàn làm phim đã phải quay nhiều cái kết cho phim Thương nhớ ở ai. Nhưng vì một số lý do nên cái kết Vạn bỏ làng được chọn.
“Thực ra, cái kết mà tôi muốn hướng đến chính là khi bé Ban Mai, con của Vạn và Hạnh lớn, cô ấy cùng mẹ nắm tay nhau đứng trước dòng sông và hỏi “Làng Đông đâu rồi mẹ?”. Hạnh không nói gì chỉ im lặng nhìn vào dòng nước, dường như những điều thiêng liêng, tốt đẹp của làng Đông đã chìm dần và lùi xa vào quá khứ”- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và đạo diễn Bùi Thọ Thịnh
Đồng quan điểm với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cũng xác nhận, đoàn làm phim có khá nhiều lựa chọn về cái kết phim Thương nhớ ở ai, thậm chí trường hợp Vạn tự tử cũng được quay để dự phòng.
“Thực ra, khi làm phim này, chúng tôi phải tuân thủ một nguyên tắc là cái kết không bi thảm. Có lẽ khán giả chưa cảm thấy thoải mái và mong muốn một điều gì cao hơn, vẹn tròn hơn khi phim khép lại, nhưng cuộc sống mà, luôn có những điều không thể nào tròn vẹn được, nhất là khi mối quan hệ Nhân – Vạn – Hạnh vốn dĩ đã rất phức tạp rồi.
Trong khi đó, nhân vật Vạn từ đầu đến lúc kết thúc luôn không vượt qua được chính mình và những định kiến xung quanh. Rất nhiều thứ đang đè nặng lên Vạn và Vạn không thể vượt qua được những điều đó. Điều này có thể thấy ở một số cựu chiến binh thời bấy giờ. Họ bị bọc trong vỏ bọc của một thời vang bóng, sống với nó và cho rằng đó là đạo đức nên không dám giành giật những hạnh phúc riêng của mình”- đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói.
Mối quan hệ Nhân - Vạn - Hạnh là mối quan hệ rất phức tạp.
Khi được hỏi về việc liệu đoàn làm phim có ý định làm tiếp phần 2 của bộ phim hay không, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh dí dỏm:
“Tôi và anh Ninh sẽ ngồi lại bàn với nhau xem có tiếp tục làm phần 2 không, vì nếu có thì phải có một câu chuyện hoàn toàn mới cho những nhân vật còn sót lại. Có lẽ, trong một lúc hưng phấn nào đó, thì lại có phần 2 thì sao?”.