Sau ánh hào quang tập 9 với sự góp mặt của nữ danh ca Hoạ Mi. Mang tên một loài chim yêu kiều nhưng vận vào cuộc đời cô là những lần tiễn đưa định mệnh.
Họa Mi cất lời ca, tung bay nhưng cũng mang nhiều vết bỏng khét cháy bởi ngọn lửa thiêu cuộc đời. Tất cả sẽ được bày tỏ trong Sau ánh hào quang: Hoạ Mi - Hỏa vũ giữa không trung.
Sau ánh hào quang tập 9 với sự góp mặt của nữ danh ca Hoạ Mi
Trong chuyến “tị nạn ái tình” tại Paris, trái tim đa cảm của vị nhạc sĩ đã xót thương cho thân phận của một người phụ nữ sống tha hương. Lìa tay bỏ lại êm ấm, cô cất bước ra đi giữa bão táp của lòng mình và lửa thiêu từ miệng đời.
Để từ đó, cuộc đời cô đã bước vào nhạc phẩm Em đi rồi mà nhạc sĩ Lam Phương đã cảm tác năm 1988. Với ca khúc dành riêng cho mình, cô đã trở lại với sân khấu trong vòng tay đón nhận của công chúng.
Thế nhưng, sự thành công ấy đã phải đánh đổi bằng những vết lằn đau đớn lẩn sâu trong trái tim người ca sĩ. Cô ấy là Hoạ Mi.
Sự thành công nhanh chóng đã phải đánh đổi bằng những vết lằn đau đớn lẩn sâu Hoạ Mi
Hoạ Mi tên thật là Trương Thị Mỹ sinh năm 1955. Đáng lẽ, cô đã có một tuổi thơ đáng ghen tị nếu chẳng phải đeo tang cha mình khi tròn 11 tuổi. Mất đi trụ cột tài chính và chỗ dựa tinh thần, cô bé Trương Thị Mỹ từ một đứa trẻ ngậm thìa bạc buộc phải quay quắt với cảnh túng thiếu.
Cô và mẹ phải nương nhờ người anh trai và sự hằn học của vợ anh ta. Cha mất do ung thư gan, mẹ của Hoạ Mi lại mang bệnh nặng.
Ở tuổi hoa niên, cô xếp cất những niềm vui học trò, ròng rã chở mẹ tìm lại ánh sáng cho đôi mắt đang ngày càng mờ đục. “Má ở ác quá nên trời phạt bị mù một con mắt” - chị dâu của Hoạ Mi đã "táng" câu nói cay độc ấy lên những nỗ lực của cô.
Hoạ Mi phải lắng nghe câu nói cay độc lên những nỗ lực của cô.
Sáu năm sau, thân mẫu của Họa Mi đã theo cha cô rời xa cõi tạm. Hai cuộc tiễn đưa đầu đời đã ném Trương Thị Mỹ vào khoảng hư vô mênh mông khiến cô đau đớn đến tận bây giờ. Tại Sau ánh hào quang, những hình ảnh đầu tiên của Họa Mi thời niên thiếu sẽ được tiết lộ.
Và rồi, duyên phận đã đưa Trương Thị Mỹ gặp gỡ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Từ một giọng ca vô danh trong các hội đoàn, nhà thờ mang tên Trường My, cô gái ấy đã được vị nhạc sĩ nức tiếng trao cho nghệ danh “Hoạ Mi”. Nữ ca sĩ chia sẻ: “Chú Hoàng Thi Thơ giúp tôi vô điều kiện và chỉ căn dặn một điều duy nhất: Đừng bao giờ phản bội chú”.
Danh ca Hoạ Mi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình trong Sau ánh hào quang
Quả đúng như lời của Hoàng Thi Thơ, cuộc đời của thiếu nữ 15 tuổi đã bước sang một trang mới. Họa Mi sau đó trở thành cái tên nức tiếng vũ trường Maxim và cả Sài Gòn. Một bước lên mây, cô tiếp tục lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn và chính thức thủ vai chính trong phim truyện Gió thoảng cuộc đời.
Với ca khúc Đưa em xuống thuyền, Họa Mi đã bén duyên với nghệ thuật và chẳng lâu sau, chiếc thuyền nghệ thuật cũng đã đưa cô đến bến đỗ hôn nhân.
Trên sân khấu Sau ánh hào quang, nhạc sĩ Bảo Chấn đã xuất hiện và cùng Hoạ Mi ôn lại trang nhật ký đẫm nước mắt này. Hoạ Mi và nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc quen nhau khi cùng hoạt động tại đoàn Kim Cương.
Hoạ Mi và nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc tại Sau ánh hào quang
Không lâu sau, Hoạ Mi chấp nhận lời hỏi cưới của người yêu vì trân quý sự hiếu thảo và cả căn bệnh lạ về mắt mà anh gặp phải. “Tôi nhìn thấy hình ảnh của mẹ từ anh Quốc” - Hoạ Mi chia sẻ.
Trong căn nhà nhỏ, Họa Mi bỏ lại hào quang để làm dâu, chăm lo cơm nước và giặt giũ cho 18 gia đình cùng nhau chung sống. Cô kể: “Mỗi vợ chồng chỉ có một chiếc giường nhỏ và ngăn vách bằng những tấm màn làm không gian riêng tư”.
Hạnh phúc chưa thành hình, chim Họa Mi bặt tiếng hót để dang đôi cánh nhỏ rời bỏ quê hương. Rứt ruột bước đi, vậy mà cánh chim vỗ ấy lại bị miệng đời ném vào biển lửa của miệt thị. Người ta râm ran: “Hoạ Mi bỏ chồng”, “Hoạ Mi tham phú phụ bần để chồng bệnh tật đơn côi”.
Tắt tiếng hát, ý chí của loài chim đơn thân cũng lịm dần để vẫy vùng với lửa thiêu trên vòm trời vô định. Trong Sau ánh hào quang, người chồng xưa của ca sĩ Hoạ Mi sẽ góp mặt và thành thật chia sẻ những sự thật sau hơn 20 năm ngủ yên.