Xuất hiện tình tiết mới rất quan trọng trong vụ án Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Phương Nga. Dấu hiệu đó có thể hé lộ phần nào sự thật và kết thúc một vụ án mà có lẽ, đến thời điểm này tôi tin rằng cả người trong và ngoài cuộc đều mang cảm giác ê chề vì hai mặt của đồng tiền.
Tình tiết mới là việc ông Nguyễn Văn Yên, đã khai trước phiên tòa là người viết giấy giả nhận tiền đặt cọc mua căn nhà ở Nguyễn Trãi cho hoa hậu Phương Nga với tiền công 10 triệu đồng. Đây là một trong các chứng cứ quan trọng dẫn đến việc các cơ quan tố tụng buộc tội Phương Nga gian dối, lừa đảo ông Mỹ là lấy tiền mua nhà.
Trong phần trả lời hội đồng xét xử suốt hai ngày 22 và 23.6, lời khai của Cao Toàn Mỹ cho thấy việc giao tiền cho Phương Nga đến cuối năm 2013 thì hoàn tất. Đến tháng 4.2014, ông Mỹ có đơn tố cáo đầu tiên đến công an. Sau đó, tháng 8.2014, ông Mỹ có đơn tố cáo thứ 2.
Ông Nguyễn Văn Yên (nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan) khẳng định việc làm giả giấy tờ này được Phương Nga và Nguyễn Mai Phương nhờ. Việc viết giấy nhận đặt cọc mua nhà (giả) do ông thực hiện vào năm 2015.
Đồng thời, ở tòa, hội đồng xét xử cũng hỏi rất kỹ ông Cao Toàn Mỹ về việc trước khi tố cáo Mỹ có biết đến những giấy tờ giả kia không, ông Mỹ trả lời chỉ được biết khi làm việc với cơ quan điều tra.
Ở tòa, ông Mỹ cũng khai việc mua bán ngôi nhà ở đường Nguyễn Trãi, Mỹ có xem giấy tờ photo của căn nhà. Tuy nhiên Mỹ không nhớ chính xác về kích thước mà chỉ ước chừng.
Sau phần thẩm vấn với ông Nguyễn Văn Yên và Cao Toàn Mỹ, chủ tọa phiên tòa nêu rõ các giấy tờ giả mạo việc mua bán nhà này được thực hiện sau khi có đơn tố cáo của người bị hại với cơ quan điều tra!
Luật sư của bị cáo cũng chỉ rõ sự trùng hợp kỳ lạ trong lời khai của ông Mỹ và Phương Nga tại Cơ quan điều tra giống nhau đến từng dấu chấm phẩy, chỉ khác đại từ nhân xưng (Mỹ và Nga).
Có hay không dấu hiệu hình sự hóa trong một vụ án dân sự?
Tình tiết mới này sẽ dẫn vụ án sang một lối rẽ khác. Nếu chứng minh đúng lời khai nhân chứng, thì Phương Nga đã bị “gài”, và kẻ giăng bẫy đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp luật Khi đó, chỉ một trong hai đúng. Công Lý thì không thể có hai mặt!
Cơ quan tố tụng đã bác bỏ “hợp đồng tình ái” giữa hai bên và tiếp tục truy tố Phương Nga lừa đảo. Tôi tin rằng, họ cũng sẽ đủ sáng suốt trong việc xác định tình tiết mới của vụ án.
Nếu có thật, tức là ông Cao Toàn Mỹ ngay từ đầu, thay vì chọn một giải pháp dân sự là khởi kiện đòi 16,5 tỷ đồng, đã chọn phương cách nham hiểm để bức hại người khác. Dĩ nhiên, đó là điều chưa thể kết luận và không ai ngoài hội đồng xét xử có thẩm quyền làm rõ. Nhưng cả quá trình diễn tiến của vụ án, bản thân ông Mỹ cũng có những biểu hiện tiền hậu bất nhất. Lúc khai đưa tiền cho Phương Nga mua nhà, khi lại khai mở tiệm spa.
Với dư luận xã hội người sáng suốt sẽ thấy ông Mỹ “thương” tiền tới mức nào. Khi kết thúc phiên sơ thẩm trước ông từng tuyên bố sẽ “bãi nại” nếu Phương Nga trả lại tiền. Một tuyên bố ngờ nghệch khi ai cũng hiểu rằng Phương Nga đã mang số phận bị cáo trong vụ án hình sự. Nó chỉ càng chứng tỏ, thứ duy nhất ông Mỹ nghĩ đến là tiền!
Đồng tiền, ai mà không thương. Nhưng thương đồng tiền tới mức làm nô lệ cho nó, đến mức táng tận lương tâm thì không nhiều người làm được. Dù có là mua bán hay cho đi, tôi không tin có người đàn ông đúng nghĩa nào đó có thể máu lạnh tới mức như thế. Đàn ông thuần chất, không bao giờ vì tiền hoặc hậm hực mà gây phương hại cho người từng bên cạnh mình. Đàn ông chấp nhặt phụ nữ là đã hèn hạ lắm rồi.
Về phía Phương Nga. Cô là một người trẻ, một người trẻ sai lầm. Cô đã chọn đồng tiền lệch lạc. Một người phụ nữ, đứng trước chỗ đông người để kể hoặc nghe lại từng chi tiết chăn gối ái ân. Tôi khó có thể tưởng tượng ra cảnh tượng nào nhục nhằn và cay nghiệt hơn thế.
Phương Nga giữ quyền im lặng. Im lặng với cả luật sư của mình. Nhiều người vẫn tin rằng đó là bước toan tính mới. Nhưng tôi tin, Nga đã quá bẽ bàng. Tôi cũng tin nếu được làm lại, Nga sẽ khác. Phương Nga có thể ê chề đau đớn. Cô có thể nhận sự bình xét gay gắt của dư luận xã hội. Cũng có thể sẽ chịu đựng sự day dứt của chính mình sau lần vấp ngã. Nhưng nhân nào thì quả ấy. Không thể bắt Phương Nga trả giá bằng một bản án nếu không chứng minh được cô đã phạm tội.
Suy cho cùng, ông Mỹ hay Phương Nga đều là nạn nhân của ma lực đồng tiền. Chúng ta không phải quan toà. Không đủ khả năng và bổn phận phán xét bất cứ ai. Nhưng tôi cũng tin rằng, dù là ông Mỹ hay Phương Nga hay bồi thẩm đoàn và tất cả chúng ta đều có niềm tin cao nhất là luân lý. Tất cả chúng ta đều có một bản án lương tâm vô hình chiếu rọi để quy buộc mình phải sống đúng bổn phận và lương tri.
Vì vậy, không thể nói dư luận đang bênh vực Phương Nga. Họ đang lo lắng cho một số phận pháp lý có thể đang bị truy bức oan trái. Và, yêu cầu làm rõ tình tiết ngụy tạo bằng chứng, không phải là một yêu cầu nhân đạo. Nó là một đòi hỏi xác đáng để bảo đảm sự công minh của pháp luật công lý. Công lý, thì không thể có hai mặt như đồng tiền!