Thứ năm, 12/09/2024 | 18:36
RSS

Đặc sắc nét đụng lợn trong ngày Tết Tuyên Quang

Thứ sáu, 12/02/2021, 10:31 (GMT+7)

Đụng lợn trong những ngày Tết không chỉ là nét đẹp truyền thống của người dân ở Tuyên Quang mà còn là dịp để gắn kết tình cảm giữa các gia đình, làng xóm…

Ở miền Bắc xưa, tập tục đụng lợn (nhiều nhà mổ chung một con lợn- PV) vào ngày Tết đã trở một nét văn hóa truyền thống rất riêng, đặc biệt là các vùng quê. xã hội phát triển, con người trở nên vội vã, những nét văn hóa dần một mai một, ấy vậy, ở một số nơi, tập tục này vẫn còn được lưu giữ.

Năm nào cũng vậy, đụng lợn Tết diễn ra ở khắp các xóm nhỏ, ngõ nhỏ trên mảnh đất Tuyên Quang.

Người dân địa phương cho biết, đụng lợn trong dịp Tết vừa rẻ, hơn nữa đây còn là nét văn hóa truyền thống, là dịp để người dân trong các thôn, bản có dịp gắn kết tình cảm.

Giây phút giao thừa chỉ còn được tính bằng giờ, gia đình ông Huy ở thôn Hùng Cường (xã Hùng Mỹ huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) cùng với một vài gia đình trong khu xóm, tất bật lên kế hoạch đụng lợn Tết.


Để có được lợn đụng trong ngày Tết thì ngay từ đầu năm, ông Huy đã nuôi riêng một con lợn được chăm sóc theo tiêu chuẩn "dân dã".

Ông Huy bảo: "Cơ chế thị trường phát triển, thịt lợn có thể mua được bất cứ lúc nào nhưng Tết mà thiếu con lợn đụng thì không khí ngày Tết coi như đã vơi đi phần nào".

Ông Ma Văn Tám, một trong 4 thành viên đụng lợn năm nay cho biết, Tết mà thiếu con lợn đụng coi như mất vui. Vì thế, cứ vào ngày đụng lợn, những người đàn ông khỏe mạnh thì lo đun nước, thịt lợn, làm lòng, chia thịt, chế biến thức ăn. Còn những "nữ công gia chánh" thì tỉ mẩn nhặt chọn từng loại rau thơm trong vườn nhà để chuẩn bị làm gia vị cho những món ăn từ thịt lợn. 

Theo anh Tuấn, đụng lợn có từ hồi xa xưa, qua thời bao cấp và đến nay vẫn có tính hấp dẫn riêng. Bởi đụng lợn không hẳn chỉ là "mua và chia thịt" mà ở đó nó thấm đẫm tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng xóm.

Ở một nhóm khác, ông Phạm Văm Toàn (ở thôn Hùng Cường) cũng cùng 4 gia đình anh em khác tiến hành mổ lợn được chăm sóc theo tiêu chuẩn "dân dã" từ nhiều tháng trước.

Được biết, con lợn trắng gần 50kg đã được mua với giá 70 nghìn đồng/kg hơi của một gia đình người Dao gần làng. 

Ông Toàn cho biết: "Mới bắt lợn được hơn tháng là giá lợn hơi tăng chóng mặt và giờ đến Tết thì không có lợn "ngon" mà mua",

Với ông Toàn, lợn "ngon" chính là lợn được nuôi theo phương pháp dân dã, là được nuôi và thả cho lợn đi lại trong môi trường tự do. 

Tại những nhà chủ mổ lợn thì có dâng mâm lễ lên báo cáo tổ tiên, dòng họ. Sau tuần hương, gia chủ sẽ hạ lễ làm bữa cơm tổng kết năm, các hộ đụng lợn cùng sum tụ để thắm tình đoàn kết.

Theo ông Toàn, thông thường một con lợn vài chục cân thì 4 nhà chung là "đẹp". Bởi sau khi mổ, thịt được chia để cho 4 nhà và mỗi nhà được một đùi có đủ các phần của con lợn như chân giò, lòng, thịt, mỡ, xương, thủ...

"Hơn nữa, năm nay dịch bệnh từ người đến vật nhiều, việc đụng lợn vừa đảm bảo an toàn, vừa an toàn vệ sinh, tránh mua phải thịt lợn trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường", ông Toàn bộc bạch.

Thêm nữa, việc đụng lợn sẽ chủ động ngày thịt để bó giò, gói bánh chưng, làm lạp xường, nấu đông, thịt hun khói. Tùy kinh tế của mỗi gia đình, mà mỗi nhà có thể đụng 1/2 con hay 1/4 con to hay nhỏ tùy thích.

Đụng lợn đã trở thành nét văn hóa riêng, không thể thay thế. Hơn nữa, đụng lợn còn là nơi tình cảm anh em, làng xóm được gắn kết, tâm sự, chia sẻ những vất vả của một năm đã qua, động viên nhau một năm mới tốt đẹp hơn.

Với người Tuyên Quang, đụng lợn vào khoảng thời gian cận Tết chính là khởi đầu cho những ngày Tết vui vẻ. Do đó, việc đụng lợn thường được diễn ra vào những ngày 28 hoặc sáng 29 tháng Chạp. Mỗi gia đình đụng lợn sẽ dành một phần thịt ngon nhất, tươi nhất để làm nhân bánh Chưng.

Vì thế, vào thời khắc gạo nếp đang được ngâm trắng ngần thì những người phụ nữ sẽ chuẩn bị làm nhân bánh chưng. 

Còn những đứa trẻ tinh nghịch thì xem thịt lợn, nô đùa ở sân, chờ được thưởng thức những phần dư, để tổng kết sau khi chia phần cho mỗi nhà: Khúc đuôi, miếng dồi, miếng gan, xiên chả nướng thơm phức...

Diệp Chi
Theo Gia đình & Xã hội