Thứ năm, 25/04/2024 | 03:10
RSS

"Cuộc chiến" xe ôm: "Phải xem lại mình chứ không thể chỉ đổ lỗi!"

Chủ nhật, 09/07/2017, 08:14 (GMT+7)

"Phía những cá nhân đang hoạt động dịch vụ xe ôm truyền thống cũng phải thay đổi mình từ giá cước đến cung cách phục vụ, chất lượng xe… Phải xem xét lại mình chứ không thể chỉ đổ lỗi”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Cuộc chiến xe ôm

Lực lượng Công an xử lý hiện trường một vụ tài xế GarbBike bị xe ôm truyền thống chém bị thương trước bến xe miền Tây

Theo lãnh đạo Công an phường An Lạc A (quận Bình Tân), do địa bàn này có bến xe miền Tây, một trong những điểm nóng về tình hình an ninh trật tự. Nhiều vụ xô xát giữa hai đội ngũ chạy xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đã xảy ra.

"Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, phổ biến pháp luật với những người chạy xe ôm truyền thống lâu năm tại bến xe. Tuy nhiên, mâu thuẫn khi có sự xuất hiện của tài xế xe ôm công nghệ là khó tránh khỏi. Chúng tôi luôn phân công lực lượng để nắm bắt, xử lý tình huống ngay khi có xô xát", lãnh đạo Công an phường An Lạc A cho biết.

Tương tự tại "vùng đất dữ" bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) và bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), rất nhiều vụ xô xát giữa hai nhóm xe ôm truyền thống và công nghệ đã xảy ra, tuy nhiên công an địa phương không thể xử lý vì không có nạn nhân trình báo. Đại diện Công an quận Bình Thạnh cho rằng, những vụ mâu thuẫn giữa hai nhóm xe ôm chưa gây hậu quả nghiêm trọng, các bên tự dàn xếp hoặc tài xế công nghệ chủ động nhường địa bàn.

"Chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ khu vực này, không chỉ là mâu thuẫn giữa hai nhóm xe ôm mà còn nhiều vấn đề phức tạp khác. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật của bất kể xe ôm bên nào thì sẽ xử lý. Tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử phạt theo quy đinh của pháp luật", đại diện Công an quận Bình Thạnh khẳng định.

Cuộc chiến xe ôm
Cuộc chiến xe ôm luôn căng thẳng và tài xế GarbBike thường bị tấn công gây thương tích

Trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Công an TP đã tuyên truyền mọi người dân phải chấp hành pháp luật về an ninh trật tự. Luật pháp đã quy định không được đánh nhau, xâm phạm đến thân thể của người khác. Dù là tài xế GrabBike hay truyền thống, họ đánh nhau, gây mất an ninh trật tự tới đâu công an sẽ xử lý tới đó.

Theo ông Thắng, về mặt quản lý nhà nước, đơn vị cấp phép phải tuyên truyền, yêu cầu doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Trước đó, Công an quận phường An Lạc A đã xử phạt hành chính 3 tài xế GrabBike và một tài xế xe ôm truyền thống về hành vi "Gây rối trật tự công cộng". Đây có thể xem là vụ việc hiếm hoi những người vi phạm bị xử lý đến nơi, đến chốn, gây chú ý trong dư luận.

Tại Hà Nội bến xe Giáp Bát luôn là một điểm nóng về tình hình an ninh trật tự, gây nhiều tranh chấp, xô xát giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, những vụ va chạm này nhanh chóng được dẹp bỏ do người dân can ngăn cũng như sự có mặt kịp thời của lực lượng chức năng.

Lãnh đạo công an phường Giáp Bát cho biết: b“Hiện tại mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đang rất căng thẳng. Từ lâu nhiều xe ôm truyền thống đã làm việc, kiếm sống quanh bến xe Giáp Bát, hàng ngày họ phải đóng một khoản tiền nhất định cho bến để có chỗ đỗ xe. Số lượng xe ôm công nghệ tăng quá nhanh ảnh hưởng đến việc kiếm miếng cơm manh áo của họ.

Theo như phản anh thì việc bảo vệ bến xua đuổi, hay tịch thu mũ bảo hiểm của xe ôm công nghệ là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong thời gian tới công an phường Giáp Bát sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, đồng thời làm việc trực tiếp với bảo vệ bến liên quan đến thông tin này.

Việc cạnh tranh làm ăn là phải lành mạnh, cạnh tranh về chất lượng phục vụ, giá cước chứ không thể cạnh tranh theo kiểu thiếu lành mạnh như vậy”.

xe ôm truyền thống
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để hạn chế những vụ xô xát giữa hai cánh xe ôm

Trao đổi cùng Dân trí, một chuyên gia kinh tế cho biết, về phương diện chính sách tới đây Bộ GTVT chắc chắn sẽ làm việc lại với tất cả các bộ, ngành liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp và 2 doanh nghiệp Grab, Uber để làm rõ vấn đề, và tìm giải pháp hài hòa.

"Tuy nhiên, phía những cá nhân đang hoạt động dịch vụ xe ôm tryền thống cũng phải thay đổi mình từ giá cước đến cung cách phục vụ, chất lượng xe… Phải xem xét lại mình chứ không thể chỉ đổ lỗi”, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Dân trí, nhiều vụ tài xế GrabBike bị xe ôm truyền thống hành hung gây thương tích nặng nhưng có dấu hiệu "chìm xuồng". Dù phía đại diện GrabBike đã có đơn khiếu nại gửi đến công an nơi xảy ra vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Điển hình là vụ tài xế GrabBike bị chém ở trước bến xe miền Tây vào đêm 29/5, vụ tài xế GrabBike là anh Lương Quốc T. (30 tuổi) bị xe ôm truyền thống dùng tuốc nơ vít đâm tại giao lộ Đào Duy Từ - Nguyễn Tri Phương (quận 10) vào tối 11/3. Qua những vụ việc trên, cần hơn nữa sự vào cuộc, xử lý quyết liệt từ cơ quan Công an nhằm hạn chế sự "leo thang" xung đột giữa hạ đội ngũ xe ôm.

Trung Kiên - Trọng Trinh
Theo Dân Trí