Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:39
RSS

Cục trưởng cảnh báo đừng coi tủ lạnh là bảo bối

Thứ ba, 06/02/2018, 07:11 (GMT+7)

Cục trưởng An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên coi tủ lạnh là bảo bối và nên thay đổi thói quen tiêu dùng ngày Tết.

Không tích thực phẩm quá nhiều

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, trong dịp Tết, các nhóm thực phẩm như rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo, thịt... tăng hơn 10 lần so với ngày thường.

Đây cũng là dịp nghỉ lễ dài, thời tiết miền Bắc mưa phùn, độ ẩm cao, miền Nam nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Do đó người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm.


Cục trưởng ATTP khuyên người dân thay đổi thói quen tiêu dùng ngày Tết.

“Giờ chợ, siêu thị mùng 1, mùng 2 đều đã mở trở lại, bán đủ mặt hàng nên người dân cần thay đổi dần thói quen tiêu dùng ngày Tết. Đừng coi tủ lạnh là bảo bối vì đây không phải tủ đá, chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định”, ông Phong khuyên.

Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Theo khuyến cáo, các loại thịt tươi để trong tủ lạnh tốt nhất nên dùng trong 3-5 ngày, cá 3 ngày. Với thức ăn chín, chỉ nên lưu cho bữa sau. Để lâu, thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố, ngay cả khi đun nấu, chỉ diệt được vi khuẩn còn độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên.

Không rán bánh chưng mốc

Do đặc thù thời tiết dịp Tết nên các loại hạt như hướng dương, lạc, đậu, bánh chưng... rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin rất nguy hiểm.

Aflatoxin là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư nếu ăn nhiều. Tuy nhiên người Việt hay có thói quen rửa nấm mốc rồi lại sử dụng. Như bánh chưng mốc, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh bị mốc rồi rán ăn bình thường.


Bánh chưng mốc, dù có rán lên, độc tố vẫn còn nguyên

“Rửa, cắt nấm mốc chỉ đảm bảo nhãn quan bên ngoài, cái quan trọng là độc tố có trong nấm ngấm sâu trong thực phẩm mới nguy hiểm, gây hại cho cơ thể. Vì vậy người dân không nên tận dụng các sản phẩm đã bị nấm mốc”, ông Phong nói.

Không uống rượu, bia không nguồn gốc

Cục trưởng ATTP khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia, nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông

Nếu uống, nên hạn chế và sử dụng rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh ngộ độc. Thực tế, BV Bạch Mai vừa qua đã tiếp nhận hàng loạt ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol.

Những trường hợp này nguy cơ tử vong rất lớn, điều trị tốn kém, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, trường hợp cứu sống có thể gặp các di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.

Tập trung mọi nguồn lực để kiểm nghiệm

Cục trưởng ATTP cho biết, để đảm bảo thực phẩm dịp Tết, Trung ương sẽ lập 6 đoàn, tập trung thanh tra tại 12 tỉnh, thành lớn như Hà Nội TP.HCM, Đà Nẵng và các cửa khẩu. Tỉnh nào không thực hiện đánh dấu lại để xử lý, không để tình trạng trên rất quyết liệt nhưng dưới cứ ì ra.

Các tỉnh, huyện, xã đều phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành để giám sát thực phẩm dịp Tết gồm giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, quá trình giết mổ, bảo quản thực phẩm tươi sống, phụ gia... Các địa phương phải có phòng lấy mẫu, tập trung ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm, tuyệt đối không để qua Tết mới có kết quả, cơ sở nào không đạt phải công bố ngay.

Thúy Hạnh
Theo Vietnamnet