Thu hoạch niễng.
Vâng! Đây là loại cây thân thảo được trồng nhiều ở ao, đầm. Cứ từ tầm tháng 8 âm lịch, cây bắt đầu nuôi củ - đó là đoạn phình to dưới gốc, e ấp trong lá mẹ. Rồi từ tháng 9 âm lịch trở đi, củ niễng vừa đến độ “chín”. Bóc đi lớp bẹ vỏ còn xanh bên ngoài sẽ thấy phần củ trắng nõn, mập mạp bên trong. Ấy là phần củ niễng ngon nhất, có thể chế biến thành nhiều món ăn từ dân dã đến sang trọng. Vị tươi mới của củ niễng mới hái sẽ làm hài lòng kể cả những ai khó tính nhất.
Hương vị củ niễng ngầy ngậy, bùi bùi, thanh mát đưa tôi quay trở về tuổi thơ của mình. Những đứa trẻ trâu ngày đó đánh trâu ra đồng rồi bỏ mặc chúng bởi cái tính ham chơi, nghịch ngợm của mình; hoặc cũng vì cái bụng còn rỗng nên hay nghĩ đến việc tìm cái lèn vào cho chặt.
Chúng tôi hay bì bõm trong những bụi niễng mọc thành vạt xanh tốt nơi bờ đầm, bẻ những củ niễng trắng nõn lau qua vạt áo, rồi vừa sồn sột nhai vừa thưởng thức cái hương vị của loài thực vật kỳ lạ vươn lên từ bùn đen tanh tao mà lại tươi mát, ngậy bùi đến thế! Đôi lúc vừa cho miếng niễng lên mồm, có đứa lại rú lên ầm ầm vì những con đỉa thấy hơi người đã loăng quăng bơi đến!
Bữa cơm mùa này cũng xôm hơn. Trên mâm có thêm đĩa củ niễng thái lát xào mỡ ngả màu trắng ngà, xen với những lát niễng có những chấm đen, tuy thế cũng không làm món ăn kém hấp dẫn. Nhà nào “kinh tế” hơn thì xào với trứng, tí thịt lợn hoặc nạc cá. Sang trọng hẳn là xào với thịt bò.
Nhưng hồi đó, món xào bổ béo ấy chỉ có trên mâm cơm nhà giàu. Còn nhà bình dân chỉ cần đĩa củ niễng xào với mỡ lợn là đã tinh tươm lắm rồi... Lại nhớ mùa niễng năm ấy rét căm căm, suốt trong mấy tháng liền, mẹ tôi hay nấu cháo củ niễng rồi múc ra bát mang sang nhà cụ Thân. Có hôm mẹ nhờ tôi mang cháo sang biếu cụ, mẹ chẹp chẹp miệng “Bà cụ bị bệnh vàng da, vàng mắt, ăn cháo củ niễng rất tốt. Khổ thân cụ!”.
Cũng có nhiều lần khi tôi mang bát cháo sang nhà cụ, lại đã thấy những bà cùng xóm cũng mang cháo niễng, đĩa củ niễng xào sang biếu. Bà cụ Thân gày gò, ốm yếu, rưng rưng bên những bát cháo đầy những lát củ niễng vàng hươm bốc khói nghi ngút. Rồi cũng chẳng biết có phải vì những bát cháo, đĩa niễng xào thơm thảo của hàng xóm không mà căn bệnh vàng da của cụ dần dần hết. Hàng chục năm sau cụ vẫn giúp con cháu việc nhà cửa cơm nước!
Giờ thì niễng đang vào chính vụ. Hàng chục năm nay khi biết tác dụng bổ dưỡng của củ niễng và cái hương vị thơm ngon của nó, rất nhiều bà nội trợ đã tìm mua củ niễng để chế biến thành món ngon cho gia đình thưởng thức. Nào là món củ niễng trộn salad, củ niễng nộm. Nào là niễng xào với các loại thịt hoặc với rươi, trứng… Niễng trở thành món ngon trên mâm cơm gia đình, món đặc sản trong những bữa tiệc, bữa cỗ lớn.
Niễng xào, món ngon mùa đông lạnh.
Ngày nay, khu vực đầm xưa đã thành phố. Chao ôi đi giữa phố mà tôi cứ chênh chao, bâng khuâng như đang đi trên miền ký ức của mình. Nơi này ngày xưa bọn trẻ trâu hay bì bõm trong những bụi niễng lá sắc như dao, bóc củ niễng ăn sống ngay trên bờ đầm. Đằng kia, là ao của nhà ông Dược, bọn trẻ trâu nhiều lần canh chủ ao để rúc vào bẻ trộm củ niễng, rồi mải ăn, mải chơi để trâu ăn lúa hợp tác xã về bị đòn quắn đít.
Và kỳ lạ thay, thoang thoảng quanh tôi là hương vị của những bát cháo củ niễng giữa cái rét se sắt đã làm ấm sực không gian làng quê cái tình làng nghĩa xóm… Cứ thế, hồi ức ngồn ngộn kéo về như lũ cuốn, như thác đổ… Làng lên phố đã hàng chục năm mà vẫn tưởng như thấy xanh ngắt um tùm loài cây thân thảo vươn lên trong bùn đen mà lại hiến cho đời sự thơm thảo, trắng trong như những gì tinh túy nhất chắt lọc từ nước, bùn, nắng, gió…
Mải đi trong miền ký ức, tôi giật mình khi chân đã bước đến chợ.
Và kia! Những mớ củ niễng mập mạp, nõn nà đã được bày gọn gàng trên những mảnh áo mưa trải vội bên lề chợ trong tiếng mời chào đon đả.
Tôi lại thầm khắc khoải: “Liệu trong trăm người bán, vạn người mua tấp nập kia có ai biết cái nền chợ này của mấy mươi năm trước là nơi ràn rạt, um tùm những vạt niễng hoang, niễng trồng trên sóng nước ao đầm chăng?”.
Ôi hoài niệm!