Củ cải trắng rớt giá là tình trạng xảy ra tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội hàng tháng nay. Theo người dân nơi đây, giá củ cải trắng bắt đầu rớt từ trong Tết, đến thời điểm này, giá củ cải bán tại ruộng chỉ 500 đồng/kg. Không chỉ người dân ôm “quả đắng” vì giá củ cải rớt sâu, thương lái thu mua cũng chịu chung cảnh ngộ trên.
Củ cải không bán được khiến nhiều hộ gia đình điêu đứng vì phải nhổ củ cải bỏ trắng ruộng hay thuê người nhổ đem bỏ đi.
Mặc dù, giá củ cải dao động từ 500 đồng - 1.000 động/kg nhưng không ai mua. Thậm chí các hộ dân phải nhổ và bỏ củ cải để héo khô trên ruộng như thế này.
Ông Đinh Văn Khanh (trú tại thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt) cho biết, giá củ cải thời điểm này quá rẻ, củ cải lại già, chưa nhổ kịp mà chủ ruộng đòi đất để trồng cây khác. Do vậy, họ đành phải mang củ cải đi đổ bỏ. Theo người đàn ông này, mấy tháng trước, bình thường, giá củ cải bán tại ruộng từ 6 đến 8 ngàn/kg.
Tuy nhiên, thời điểm này, giá chỉ còn từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, quy trình trồng củ cải rất phức tạp, người dân phải bỏ công chăm sóc và vốn đầu tư khoảng 3,5 triệu/1 sào. Trong tháng Giêng, nhiều gia đình đã phải đổ bỏ hàng tấn ra sông Hồng do không thể chế biến được.
Những củ cải to như thế này nhưng khi mang ra chợ, nhiều người cho rằng đây là củ cải Trung Quốc Nhưng thực tế không phải như vậy. Do đất và môi trường tốt kèm theo giống nên củ cải được trồng ở Mê Linh thường to như vậy
Chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt - thương lái mua củ cải cho biết, hiện tại giá bán buôn ngoài thị trường 1000 đồng/kg chưa rửa. Tuy nhiên, người dân bán ra không ai mua, lỗ nhiều, không tiêu thụ được. “Nhà tôi mua củ cải của người dân từ lúc nhỏ từ 1,5 triệu đến 2 triệu/sào. Hiện tại không bán được phải nhổ bỏ đi khoảng 20 tấn củ cải”.
Thậm chí, củ cải không thu hoạch kịp để già, bán không ai mua, nhiều thương lái hoặc người dân đành phải thuê người nhổ vận chuyển đem bỏ đi với giá 1,5 triệu/1 sào để lấy đất trồng loại cây khác.
Theo chị Tuyết, tình trạng người dân đổ bỏ củ cải xảy ra từ tháng 11 Âm lịch năm 2017 đến nay. Không những chị bị thua lỗ, người dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá củ cải xuống thấp. Theo đó, người dân làm ra từ 4 đến 5 triệu/sào, nhưng giờ bán ra chỉ 1 đến 2 triệu/sào, chưa kể giống và công chăm sóc.
Người dân ở đây cho biết, do chưa có cơ sở chế biến, nên khi không đưa đi tiêu thụ được nên họ đành ngậm ngùi bỏ nhổ bỏ.
Anh Minh cho biết, đến thời điểm này, gia đình anh đã thua lỗ hơn 100 triệu do ôm của người dân hàng vài chục hécta củ cải. Từ sau Tết, gia đình anh phải thuê người nhổ củ cải bỏ đi để trả đất cho người dân.
Những củ cải to được rửa sạch đi bán lẻ may ra mới được 1.000 - 2.000 đồng. Còn bán buôn không ai lấy.
Bởi vậy, hàng nghìn tấn củ cải của các hộ gia đình đều đươc thuê ngưởi nhổ bỏ và vận chuyển mang ra gần bờ sông vứt bỏ.
Dù xót ruột và tiếc của nhưng không có cách nào khác nên người dân đành làm vậy để lấy đất làm mùa rau khác cho kịp ngày.
Những ngày này trở về thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt ai ai cũng cảm thấy xót xa và thương cho người nông dân cũng như những thương lái khi họ phải đổ bỏ sản phẩm chính mình làm ra đi như như này.
Dù vẫn còn non và ăn được nhưng người dân cũng đành phải vứt bỏ.
Hàng trăm tấn củ cải được vận chuyển ra gần bờ sông Hồng vứt bỏ.
Dọc bờ sông Hồng phủ kín những củ cải trắng của người nông dân.
Từng đống củ cải được đắp chồng lên nhau bỏ đi như này.
Sự việc này khiến người nông dân điêu đứng, trắng tay và rơi vào tình trạng nợ nần.