Thứ bảy, 20/04/2024 | 10:46
RSS

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì xây nhà máy không phép

Thứ bảy, 27/08/2022, 06:56 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) xây dựng nhà máy sản xuất sữa không phép, gần với dòng suối Bơn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện Ba Vì đã xử phạt đơn vị này số tiền 130 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì xây nhà máy không phép

Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất sữa không phép giữa khu dân cư. 

PV Báo Đại Đoàn Kết nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) về trường hợp xây dựng nhà máy sản xuất sữa không phép, gần với dòng suối Bơn và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, công trình đang thi công xây dựng nêu trên là nhà máy sản xuất sữa nằm trên địa bàn thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì (trụ sở thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì).

Lo ngại tác động xấu đến môi trường, đời sống người dân

Theo tìm hiểu phóng viên, phía Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì đã không tuân thủ quy định, như bắt buộc phải lập đánh giá và xin giấy phép đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mục đích của việc lập ĐTM là để biết được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với mức tiêu chuẩn quy định, từ đó thẩm định xem có cấp quyết định phê duyệt dự án hay không? Việc lập đánh giá và xin giấy phép đánh giá tác động môi trường còn ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong vấn đề bảo vệ môi trường nơi hoạt động của dự án. Đồng thời hợp thức hóa quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và gắn phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường. Cụ thể ở đây là nhà máy sản xuất sữa thuộc Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì.

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì xây nhà máy không phép

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì xây nhà máy không phép

Bị xử phạt 130 triệu đồng nhưng chủ đầu tư vẫn cho thi công công trình.

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, công trình xây dựng nhà máy sản xuất sữa không phép của Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì nằm giữa khu vực dân cư, với dòng suối Bơn chảy qua.

Nhiều người dân sinh sống quanh đây khi được hỏi về nhà máy sản xuất sữa không giấy phép thuộc Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì, đều tỏ ra lo ngại về những hệ lụy sau này: Đó là về tiếng ồn, ô nhiễm không khí bắt nguồn từ mùi xú uế trong quá trình sản xuất, ô nhiễm nguồn nước thải ra do nhà máy sản xuất sữa này nằm quá gần dòng suối Bơn.

Ra quyết định xử phạt nhưng vẫn để tiếp tục thi công

Đem những thắc mắc, lo ngại trên trao đổi với ông Trần Xuân Mạnh, Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Ba Vì, chúng tôi cũng chỉ nhận được thông tin “UBND huyện Ba Vì đã ra quyết định xử phạt rồi nên không bàn thêm”.

Liên quan vụ việc kể trên, trước đó, ngày 18/6, UBND xã Vân Hòa tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi xây dựng trái phép đối với Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì. Nội dung biên bản số 04/BB-VPHC của UBND xã Vân Hòa nêu rõ: Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì “Xây dựng công trình không phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng… Yêu cầu Công ty dừng mọi hoạt động thi công xây dựng”.

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì xây nhà máy không phép

Tờ trình của UBND xã Vân Hòa gửi lên UBND huyện Ba Vì.

Đến ngày 29/6, UBND xã Vân Hòa có tờ trình số 37/UBND-TTr về việc đề nghị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng gửi UBND huyện Ba Vì và Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Ba Vì.

Theo nội dung tờ trình số 37, Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì là chủ đầu tư xây dựng vi phạm trật tự xây dựng. Người đại diện là ông Lê Hoàng Vinh, đã có hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Hành vi của Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì, bị UBND xã Vân Hòa đề nghị mức phạt 130 triệu đồng.

Tới ngày 1/7, UBND huyện Ba Vì ra quyết định số 6405/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì số tiền 130 triệu đồng với lỗi hành vi kể trên.

Nội dung quyết định cũng nêu rõ “Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm”.

Ông Nguyễn Duy Ước, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cho biết: Diện tích xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì trên 12.000 mét vuông. Ngay khi phát hiện sự việc, UBND xã Vân Hòa đã tiến hành kiểm tra và có tờ trình gửi lên UBND huyện đề nghị xử lý. Lý do được đưa ra, do hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì vượt quá thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt của xã.

Có điều đáng chú ý: mặc dù biên bản số 04 của UBND xã Vân Hòa có yêu cầu Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì dừng mọi hoạt động thi công xây dựng. Nhưng khi ban hành quyết định xử phạt số 6405/QĐ-XPVPHC, thì nội dung trên lại không được UBND huyện Ba Vì nhắc đến.

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì xây nhà máy không phép

Biên bản vi phạm hành chính yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công, nhưng đều bị chủ đầu tư phớt lờ.

Làm việc với Báo Đại Đoàn Kết, khi PV nêu câu hỏi “Sao chỉ ra quyết định xử phạt, mà không dừng mọi hoạt động thi công xây dựng tại công trình vi phạm xây dựng nhà máy sữa của Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì? Hay đây là động thái xử phạt cho tồn tại?”, thì ông Trần Xuân Mạnh, Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Ba Vì không trả lời.

Trong tháng 8/2022, qua quá trình khảo sát thực tế, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận, phía Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì vẫn tiếp tục cho công nhân thi công, hoàn thiện công trình vi phạm nêu trên.

Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì làm ăn ra sao?

Trong quyết định số 6405/QĐ-XPVPHC của UBND huyện Ba Vì có nêu người đại diện pháp luật cho Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì là ông Lê Hoàng Vinh.

Theo thông tin về đăng ký doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Vinh là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần sữa Tản Viên Ba Vì. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2020 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của đơn vị này gồm: Công ty Cổ phần sữa Ba Vì. Ông Phan Sĩ Hùng. Bà Tăng Thị Vân Anh. Phan Sĩ Bảo Cường và Khuất Thị Tố Nga. Mỗi cổ đông sáng lập chiếm 20% tỷ lệ sở hữu tại công ty tương đương số tiền góp là 4 tỷ đồng. Thời điểm thành lập, người đại diện pháp luật là ông Phan Sĩ Hùng (sinh năm 1967 tại LK-01, KĐT An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội).

Đến tháng 1/2022, Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì tăng vốn từ 20 tỷ lên 60 tỷ đồng và người đại diện pháp luật là ông Lê Hoàng Vinh. Về phía Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì cũng có những chuyển biến đáng chú ý trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Tại thời điểm năm 2017, Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì có vốn điều lệ là 60 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Lê Hoàng Vinh góp 21,1 tỷ đồng. Khuất Thị Tố Nga góp 1,05 tỷ đồng. Lê Thị Ngọc Ánh góp 450 triệu đồng. Tháng 10/2017, Công ty tăng vốn từ 60 tỷ lên 80 tỷ đồng.

Tháng 1/2019, Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì tăng vốn từ 80 tỷ lên 120 tỷ đồng và tháng 1/2022 đơn vị này tiếp tục có đợt tăng vốn từ 120 lên 160 tỷ đồng. Việc tăng vốn của Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì và Công ty Cổ phần Sữa Tản Viên Ba Vì diễn ra cùng thời điểm, tỷ lệ cổ phần chi phối vẫn do gia đình ông Vinh nắm giữ.

Hiện Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì đang sản xuất, phân phối các sản phẩm như Sữa tươi Ba Vì, Sữa chua Ba Vì, Sữa chua nếp cẩm Ba Vì, Sữa tươi tiệt trùng Kaka Kumbocha, Sữa chua uống tiệt trùng Ba Vì, Sữa tươi dê Ba Vì.

Minh Quân
Theo Đại Đoàn Kết