Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:01
RSS

Còn nhiều bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm

Thứ ba, 28/03/2017, 09:24 (GMT+7)

Đó là nhận định của các chuyên gia WB đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo quản lý nguy cơ ATTP...

Đó là nhận định của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam - Những thách thức và cơ hội tổ chức sáng 27/3.

Nghiên cứu của WB tập trung vào chuỗi giá trị của thịt lợn và rau ăn lá để tìm các nguy cơ ATTP. Kết quả cho thấy, người tiêu dùng với một bộ phận sống ở đô thị sẵn sàng chi trả thêm 5 - 10% chi phí cho nguồn thực phẩm an toàn hơn.

Theo báo cáo của WB, người tiêu dùng có xu hướng lo lắng về các nhiễm bẩn hóa học và các chất độc trên thực phẩm hơn là nhiễm bẩn vi sinh vật. Tuy nhiên, điều này đi ngược với kết quả nghiên cứu. Bởi, nguyên nhân chính gây bệnh truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật, chứ không phải do tồn dư hóa chất...

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm tiền để được tiếp cận với thực phẩm đảm bảo chất lượng 

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế cho biết: Mặc dù Việt Nam đã ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ATTP, song việc áp dụng cách tiếp cận nguy cơ còn hạn chế.

Theo đại diện WB, mặc dù Việt Nam có quy định về trách nhiệm trong quản lý ATTP cho ba Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công thương, song vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc ban hành và thực thi pháp luật. Hiện, vẫn chưa có báo cáo đầy đủ và toàn diện về ATTP, đồng thời hệ thống giám sát và báo cáo định kỳ về các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm vẫn chưa đầy đủ, hạn chế.

Nhìn chung, chất lượng ATTP của các sản phẩm xuất khẩu được báo cáo tương đối đầy đủ nhưng có rất ít thông tin tương tự về các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa. Mỗi năm có hàng trăm nghìn mẫu thực phẩm được phân tích nhưng thông tin về các kết quả xét nghiệm, mức độ tin cậy và tính đại diện của các mẫu xét nghiệm lại không được báo cáo một cách có hệ thống.

Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 cán bộ thanh tra ATTP nhưng chưa có một hệ thống giám sát ATTP đầy đủ và toàn diện. Bên cạnh đó, hiện cũng có ít thông tin về năng lực ứng phó và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam.

Mặt khác, việc chỉ kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu ra không giải quyết dứt điểm cũng như không đảm bảo tất cả nguồn thực phẩm đều an toàn; Cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi từ đầu vào, đến quá trình sản xuất, chế biến và ra thành phẩm.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: ATTP trở thành vấn đề nóng từ vài năm nay. Với hoạt động xuất khẩu, Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.

Tuy nhiên, đảm bảo ATTP với thị trường nội địa lại chưa có giải pháp cụ thể. “Nhà nước cần khuyến khích hình thành chuỗi qua việc động viên người dân phối hợp với doanh nghiệp sản xuất mô hình lớn (cả trong trong cung ứng và chế biến).

Thời gian tới cần tăng cường năng lực thực thi từ cấp T.Ư đến cơ sở. Trong đó, cấp cuối cùng quan trọng vì tại Việt Nam sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ. Về công tác kiểm tra, đo lường sản phẩm sẽ không phân biệt tư, công, cứ đáp ứng được kỹ thuật là được phép tham gia hoạt động ”, ông Đam nói.


Theo Báo Giao thông