Ngay từ khi còn nhỏ, cháu N.V.T. (13 tuổi, Bắc Ninh) đã rất hiếu động, thường xuyên chạy nhảy cả ngày. Chính vì vậy nên cách đây 6 tháng, khi thấy con thường xuyên kêu đau chân, nhất là đoạn đầu gối, chị A. (mẹ cháu T.) chủ quan nghĩ do con chạy nhảy nhiều. Chị thậm chí còn mắng con ham chơi, hay chạy nhảy, leo trèo. Mỗi lần con kêu đau, chị A. cũng chỉ xoa bóp chân cho con. Thấy sau mỗi lần xoa bóp, cơn đau của cháu đỡ hơn nên gia đình cũng yên tâm.
Mọi việc chỉ trở nên nghiêm trọng khi trong một lần cháu T. bị ngã, cơn đau không thuyên giảm mà ngày một gia tăng, khiến cháu đi lại khó khăn, đùi trái bị sưng to dần, đau đến phát khóc, gia đình mới đưa cháu đến Bệnh viện K để thăm khám. Tại đây, gia đình chị A. bàng hoàng khi đón nhận tin dữ. Cháu T. được các bác sỹ chẩn đoán bị ung thư xương (Osteosarcoma). May mắn là sau 3 đợt truyền hóa chất, cháu T. đã có nhiều dấu hiệu khả quan.
Chia sẻ về ca bệnh này, PGS. TS. Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội - người mổ cho bệnh nhi T cho biết, sau khi hội chẩn, bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật, ekip phẫu thuật gồm nhiều chuyên gia của Viện K, Saint Paul và Đại Học Y Hà Nội.
Sau khi phẫu thuật lấy hết khối u ở đầu dưới xương đùi, gần khớp gối, bệnh nhi T. sẽ được duy trì khoảng trống bằng xi măng sinh học và cố định bằng nẹp vít xương đùi. Bệnh nhi cũng được bảo tồn được chức năng khớp gối và thẩm Mỹ
Khối u đã được các bác sĩ bóc tách
Theo BS. Dũng, ung thư xương có tần suất phát hiện cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên (dao động từ 9-19 tuổi là cao nhất). Khác với các ung thư khác, ung thư xương bên cạnh nguy cơ tử vong thì nguy cơ trước mắt có thể nhìn thấy đó là sự tàn phế, mất chức năng chi thể, ảnh hưởng đến sinh hoạt vận động và thẩm mỹ, tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Những dấu hiệu nhận biết bị ung thư xương cần được thăm khám sớm như:
- Sưng hoặc nổi u cục: khi phát hiện các mô xương ở bàn chân, đấu gối, khuỷu với bề mặt trơn bóng hoặc lồi lõm bất thường thì cũng là một dấu hiệu không dễ bỏ qua.
- Rối loạn chức năng xương: khi bệnh nhân bị ung thư xương nặng hơn vào giai đoạn muộn hơn sẽ gây ra các cơn đau, sưng, và các triệu chứng teo cơ kèm theo.
- Sốt kéo dài: Sốt cao dài ngày không rõ nguyên nhân sẽ dễ khiến bạn nhầm với các bệnh thông thường. Nhưng hãy cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư xương tiền phát.
- Đau nhức toàn thân: Khi gặp phải căn bệnh này, nó sẽ khiến xương bị đau, dẫn đến đau nhức toàn thân và cảm thấy khó chịu, mất ngủ, chán ăn, giảm cân đột ngột, thiếu máu.
BS Dũng cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy con thường xuyên kêu đau mỏi chân, tay nên đưa con đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị bệnh trong thời gian sớm nhất.
Xem thêm: Bên Trong xưởng sản xuất Thuốc chữa ung thư làm từ bột than tre và tác hại của nó