Thứ tư, 04/12/2024 | 01:52
RSS

Con gái Dr. Thanh bật mí cách “lấy lòng” khách hàng sau 30s của Tân Hiệp Phát

Thứ hai, 09/09/2019, 07:40 (GMT+7)

Con gái Dr. Thanh cho biết, một sản phẩm đầu tư đến vài trăm trăm triệu USD nhưng ra bên ngoài chỉ có giá 10.000 đồng nhưng Tân Hiệp Phát chỉ có 30s truyền tải ý tưởng để khách hàng ghi nhớ.

 con gai dr. thanh bat mi cach “lay long” khach hang sau 30s cua tan hiep phat hinh anh 1

Bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Quang Hiếu)

Đó chỉ là một trong số nhiều bí quyết kinh doanh được bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ tại Toạ đàm "Làm thế nào để có thương hiệu mạnh", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây.

10 năm đầu tư công nghệ và cuộc cạnh tranh với các Tập đoàn đa quốc gia

Theo bà Trần Uyên Phương, nhiều năm qua, Tân Hiệp Phát luôn cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nằm trong nhóm 5 hãng đồ uống hàng đầu Việt Nam. Để rồi, nhiều người đã đặt câu hỏi cho ông Trần Quí Thanh (Dr. Thanh – PV) hay bà Trần Uyên Phương về kết quả này.

Song theo bà Uyên Phương, tất cả đều tới từ sự nhất quán về chiến lược phát triển.

"Từ những ngày đầu, Tân Hiệp Phát xác định phải đi theo thị trường ngách, bởi rất khó cạnh tranh sản phẩm đồ uống có ga với các tập đoàn nước ngoài. Chúng tôi thay vào đó, đi theo sản phẩm nước giải khát tốt cho sức khoẻ. Cách đây 10 năm, khi Tân Hiệp Phát tuyên bố đầu tư 300 triệu USD dây chuyền vào công nghệ hiện đại nhất thế giới thì nhiều người tỏ ý không tin", bà Trần Uyên phương chia sẻ.

Là doanh nghiệp có người đứng đầu xuất thân là một kỹ sư cơ khí - ông Trần Quí Thanh là kỹ sư chế tạo máy, vậy nên, Tân Hiệp Phát đã coi yếu tố công nghệ là một lợi thế cạnh tranh.

"Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tìm ra giải pháp đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và có thể sản xuất hàng loạt. Trong đó, yếu tố chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu”, bà Trần Uyên Phương cho biết.

Theo Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát, chất lượng chính là nền tảng và giá trị của doanh nghiệp.

Việc sản xuất sản phẩm không chất bảo quản nhưng vẫn giữ được những tinh chất, chất lượng cao nhất của sản phẩm mà vẫn duy trì được 12 tháng, đó là xu hướng mới trên thị trường ở thời điểm 10 năm trước. Nhưng rồi xu hướng sản xuất sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã trở thành kim chỉ nam, định vị cho cho không chỉ thị trường ngành nước uống, thực phẩm mà còn những ngành khác.

“Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới họ đã tập trung một bước xa hơn là các sản phẩm organic. Còn chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư từ cách đây hơn 10 năm, lựa chọn cách đón đầu để có thể có vị trí ngách ở trong thị trường. Tân Hiệp Phát chọn phân khúc mà các công ty đa quốc gia không tham gia vào, đó chính là sản xuất các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Bởi điểm mạnh của họ khi đó là sản xuất các sản phẩm nước ngọt có ga”, bà Trần Uyên Phương cho hay.

Công thức “lấy lòng” khách hàng sau 30 giây

Sau câu chuyện về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát, một câu chuyện khác được con gái Dr. Thanh nhắc tới là định vị thương hiệu sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng.

Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: “Nói đến tất cả chất lượng, cũng như kiểm soát quá trình, chúng tôi cũng muốn giới thiệu bên cạnh doanh nghiệp nghĩ chúng tôi tốt và chúng tôi mạnh dạn đầu tư như thế nào hoàn toàn chưa đủ, chúng tôi phải cần có một kênh truyền thông đối với bên ngoài người tiêu dùng, thay đổi thái độ nhận thức của khách hàng, thay đổi thái độ nhận thức của xã hội, nó mới là việc tạo ra kết quả cho chúng tôi”.

Theo bà Uyên Phương, trong ngành nước uống, mỗi doanh nghiệp phải tiếp xúc với hàng chục triệu khách hàng. Bài toán khó được đặt ra là: “Làm sao để khách hàng để có thể hiểu Tân Hiệp Phát trong một thời gian ngắn nhất?”.

Bởi nếu khách hàng không thể hiểu doanh nghiệp trong vòng 15-30 giây, Tân Hiệp Phát tôi không thể bán được sản phẩm, do một sản phẩm đầu tư vài trăm triệu USD, nhưng khi ra thị trường, nó chỉ có giá 10.000 đồng.

Con gái Dr. Thanh tâm sự: “Làm sao trong vòng 30 giây chúng tôi chuyển giao được ý tưởng của chúng tôi và chuyển giao liên tục để họ có thể nhớ thì đây chính là công cụ quảng cáo.

Đối với ngành marketing, để ra được một TVC quảng cáo chúng tôi cần 6 tháng, ngân sách tốn đâu đó khoảng 100.000 USD, chi phí để phát TVC có thể lớn hơn 10 lần. Vậy nên từng giây trên này chúng tôi phải đo rất nhiều bước và chúng tôi phải đem ra thị trường phát 2 lần trước khi nó được lên sóng trên TV, chúng tôi phải cắt từng giây một để đảm bào 30 giây không có giây nào thừa, đó là cả một quá trình làm TVC chứ không chỉ đơn giản chỉ có một vài người đứng lên cầm máy quay là xong.

Một bộ máy marketing của THP vận hành với khoảng 70 người chỉ làm công tác để làm cho người tiêu dùng hiểu được làm sao sản phẩm mình làm ra nói là tốt nhưng mà họ thấy được cái lợi ích của họ”.

Nguyên Phương
Dân Việt