Liên quan vụ sai phạm trong chấm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an nhận định, với số lượng lớn bài thi và chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, một mình ông Lương không thể làm hết việc sửa kết quả thi.
Do đó, sẽ xem xét mở rộng điều tra để xem có đồng phạm giúp sức hay không. Hiện tại cơ quan công an vẫn chưa khởi tố hình sự vụ việc này.
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Sơn (văn phòng luật sư Đặng Sơn và Cộng sự, Đoàn luật sư Hà Nội). Theo luật sư Sơn, qua thông tin trên báo chí được biết, việc điểm thi THPT quốc gia vừa qua của thí sinh tại Hà Giang cao bất thường so với mặt bằng chung của cả nước.
Qua trình kiểm tra, cơ quan chức năng bước đầu phát hiện người trực tiếp can thiệp khiến cho điểm thi của nhiều thí sinh tăng cao bất thường. Quá đó, xác định ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) là người trực tiếp can thiệp vào kết quả của các bài thi. Như vậy, với hành vi trên đã có đủ căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội Giả mạo trong công tác.
Trong khi đó, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Danh Huế, Trưởng Văn phòng Luật sư Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Theo luật sư Huế, nếu cha mẹ học sinh có tác động hay giúp sức vào việc sửa chữa điểm thi thì tuỳ theo mức độ và dựa vào kết quả điều tra có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò “đồng phạm”.
Trong số các vị phụ huynh của các em học sinh được sửa điểm, nếu phụ huynh học sinh là những người có chức vụ, quyền hạn mà sử dụng quyền lực của mình để can thiệp hay chỉ đạo thực hiện hành vi này thì không những cần phải công khai danh tính của những người này, mà họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đồng quan điểm, Zing News đã phỏng vấn luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho biết hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng.
Trường hợp người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác cho ông Lương thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng.