Cô H phải nhập viện vì bị phụ huynh đánh, làm dọa sẩy thai. Ảnh: Lao Động.
Điều đáng nói, trong vụ bị phụ huynh đánh dọa sảy thai ép quỳ gối, cô giáo ở Nghệ An không hề có lỗi. Mẹ cháu bé 5 tuổi thấy con đi học về có vết bầm tím nhỏ ở chân, đến trường vặn hỏi rồi hành hung cô giáo, không để cô thanh minh.
Trong khi đó, cô giáo khẳng định không đánh cháu bé; cháu bé cũng nói với các cô là cháu bị vấp khi chơi đùa.
Tính chất vụ việc rất nghiêm trọng, công an đã triệu tập, tạm giữ phụ huynh côn đồ nói trên để làm rõ. Dư luận bức xúc, yêu cầu phải có hình thức xử lý nghiêm với người này.
Lãnh đạo nhà trường, phòng GD&ĐT và đồng nghiệp rất cảm thương cô H, vừa đi thực tập, đang mang thai bị đánh đến mức dọa sảy thai, lại đúng ngày dạm hỏi để chuẩn bị đám cưới.
“Ngẫm ra, giáo viên mầm non chúng em là khổ nhất”, cô Hồng Hạnh, giáo viên (GV) mầm non tại TP Vinh, than thở.
Theo cô Hạnh, GV mầm non học hành vất vả, xin việc khó khăn, có người phải chạy vạy mới có việc làm. Môi trường làm việc hết sức áp lực, những ngày đầu chưa quen về mệt đến mức không nuốt nổi cơm.
“Anh hãy hình dung hai vợ chồng giữ một đứa con nhỏ, mà đã đánh vật, bức xúc với con, còn chúng em gấp vài chục lần như thế. Công việc quần quật từ trưa đến tối, trưa không được ngủ, phải trông cháu. Cứ thế, từ thanh xuân cho đến khi nghỉ hưu”, cô Hạnh nói.
Nhiều khi các cháu chơi đùa, trêu bạn, đánh nhau, ngã xây sát, phụ huynh cũng cho rằng cô thiếu quan tâm, tệ hơn có người còn nghi cô đánh cháu.
“Nhiều phụ huynh cho rằng đã đóng tiền học phí nuôi GV, nên họ tự cho mình uy quyền, yêu sách, thái độ này nọ; chúng em không biết làm sao, phải nín nhịn”, một cô giáo mầm non tại Nghệ An cay đắng, nói.
Một số trường mầm non, không trả đầy đủ chế độ cho GV, như không có chế độ trực trưa. GV làm quần quật, mà lương chưa đủ 3 triệu/tháng.
Những GV mầm non thuộc thế hệ cũ, lại vô cùng thiệt thòi, về hưu chỉ được mức “lương” 1,3 triệu/tháng, sau nhiều chục năm cống hiến. Nhiều người về hưu, nhận lương mà nghẹn ngào, rơi nước mắt.
“GV các cấp, nhiều người còn được học sinh thành đạt quan tâm, hỏi han, còn bọn em thì không em nào nhớ đến”, cô Thanh Mai, GV mầm non ở Hà Tĩnh, chua chát, cho hay.
Hiện nay, do các cấp từ tiểu học đến THPT đang thừa GV, nên HS đua nhau thi vào trường đào tạo GV mầm non. Tuy nhiên, có lẽ nhiều em chưa hình dung nổi, những gian khổ, khó khăn, áp lực đang chờ đợi. Làm gì để GV không còn rơi nước mắt, vì những áp lực, thiệt thòi, đang là trăn trở lớn của xã hội |